Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh đưa nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ, và sẽ nỗ lực bằng mọi cách để kiềm chế tăng giá.
Tại cuộc họp báo ở Đại lễ đường Nhân dân sau khi bế mạc kỳ họp quốc hội Trung Quốc, ông Ôn thừa nhận, lạm phát của nước này vẫn ở mức cao kể từ cuối năm 2010 và chỉ trong hai tháng đầu năm nay đã tăng 4,9% khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết kiềm chế tỉ lệ lạm phát dưới 4% trong năm nay. Tuy nhiên, ông Ôn cho hay, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn với Bắc Kinh. “Lạm phát như một con hổ, một khi đã sổng chuồng thì rất khó bắt trở lại”, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh. "Chính phủ tin tưởng rằng, chúng ta có thể kiềm chế được lạm phát”.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong
cuộc họp báo sau khi kỳ họp thứ tư quốc hội khóa 11 bế mạc tại Bắc Kinh Ảnh:
THX
Tuy nhiên, ông Ôn cũng cảnh báo rằng, lạm phát có thể gia tăng hơn trước khi giảm xuống. "Chúng ta sẽ đối mặt với tình hình khó khăn trong nửa đầu năm nay”, ông cho biết.
Thủ tướng Trung Quốc cũng bác bỏ việc sử dụng công cụ kiểm soát tỉ giá hối đoái để kiềm chế lạm phát. Ông nói rằng, việc tăng giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ sẽ diễn ra dần dần. Theo giới phân tích, một đồng bản tệ mạnh hơn có thể làm giảm mức lạm phát của Trung Quốc. Bắc Kinh đã giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu.
"Việc tăng giá đồng tiền Trung Quốc cần tiến hành dần dần vì chúng tôi phải cân nhắc mọi ảnh hưởng của nó với tình hình kinh doanh và việc làm trong nước”, ông Ôn nói trong cuộc họp báo.
Lạm phát đã trở thành vấn đề nóng bỏng tại Trung Quốc từ cuối năm 2010. Giá tiêu dùng thực sự là chủ điểm rất nhạy cảm trong một xã hội mà các gia đình nghèo phải chi tới một nửa thu nhập của họ cho lương thực thực phẩm.
Thủ tướng Ôn đã thúc giục các chính quyền địa phương Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ giá nhà đất, đảm bảo nguồn cung đầy đủ về ngũ cốc, thịt, rau và hoa quả. Một lần nữa, ông Ôn yêu cầu tất cả các thành phố lớn thực hiện nghiêm túc chính sách kiểm soát vĩ mô của chính quyền trung ương về nhà ở đô thị, công khai mục tiêu kiểm soát giá cả bất động sản trong năm nay.
Dưới đây là một số vấn đề chính mà Thủ tướng Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp quốc hội nước này.
Về thị trường bất động sản
"Về việc điều chỉnh và kiểm soát giá nhà ở, quan trọng nhất bây giờ là thực thi các chính sách và biện pháp hiện hành”.
"Trong trường hợp này, chính phủ trung ương sẽ tăng cường kiểm tra công việc của các chính quyền địa phương. Chúng ta phải áp dụng một hệ thống trách nhiệm giải trình nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, chúng ta sẽ theo dõi sát sao, phân tích và nghiên cứu những phát triển mới trên thị trường bất động sản, tập trung vào các biện pháp kiểm soát vĩ mô trong lĩnh vực này”.
"Chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của họ trong lĩnh vực này. Ví dụ, ho phải đưa ra các quy định chi tiết nhằm thực hiện các chính sách của chính quyền trung ương và tuyên bố mục tiêu cụ thể để làm giảm giá nhà đất”.
"Chúng tôi sẽ tăng cường các đơn vị nhà ở được chính phủ trợ cấp, có nghĩa là chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề trên thị trường nhà đất bằng cách gia tăng nguồn cung”.
Về đồng nhân dân tệ
"Chúng tôi sẽ không do dự trong việc cải cách cơ chế hình thành tỉ giá trao đổi nhân dân tệ”.
"Dựa vào những thay đổi trong nhu cầu thị trường, chúng tôi sẽ mở rộng tính linh hoạt trong biên độ tỉ giá. Chúng tôi sẽ tiến hành dần dần vì vấn đề này liên quan tới năng lực hấp thụ của các doanh nghiệp cũng như việc làm. Chúng tôi phải duy trì sự ổn định của toàn xã hội”.
Về lạm phát
"Lạm phát giống như một con hổ. Khi bạn để nó sổng chuồng thì rất khó bắt lại. Lạm phát chúng tôi đang trải qua hiện tại là một thực tế quốc tế. Nếu nhìn vào tổng thể, thì chính sách nới lỏng tiền tệ của một số nước đã gây ra sự bất ổn lớn trong tỉ giá và giá cả những loại hàng hóa chủ yếu”.
"Thêm vào đó, tình hình ở phía tây châu Á và bắc châu Phi đã làm giá dầu tăng cao, vượt qua 100 USD/thùng. Nhập khẩu lạm phát có ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc và đây là điều không thể dễ dàng kiểm soát”.
"Cùng lúc đó, chúng tôi cũng chứng kiến tình trạng lạm phát cơ cấu tại Trung Quốc thông qua giá lao động tăng, giá cả hàng hoá thiết yếu tăng vọt. Chúng tôi phải theo dõi sát vấn đề này và thực hiện những bước đi mạnh mẽ để giải quyết chúng”.
Chuyển dịch kinh tế
"Trong năm năm tới và trong khoảng thời gian phát triển kinh tế của Trung Quốc, chúng tôi phải tập trung vào chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế”.
"Chúng tôi phải tận dụng đầy đủ cơ hội này để điều chỉnh cơ cấu kinh tế và giải quyết các vấn đề lâu dài trong nền kinh tế Trung Quốc như thiếu cân bằng, phối hợp kém và không bền vững, để phát triển kinh tế phù hợp với dân số, môi trường và tài nguyên của chúng tôi”.
"Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế 7% không được tính là thấp. Tất cả mọi người nên hiểu rằng, để thực sự đạt được mức tăng trưởng chất lượng cao với 7% sẽ không phải là điều dễ dàng”.
Về Trung Đông
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao những bất ổn chính trị tại phía tây châu Á và bắc châu Phi. Mọi so sánh giữa Trung Quốc với các nước trong những khu vực này đều không đúng đắn’.
"Trong ba thập niên cải tổ và mở cửa, kinh tế và xã hội Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, cuộc sống của người dân thay đổi rõ ràng. Và đây là điều ai cũng công nhận”.
"Kinh tế Trung Quốc thực sự có những thay đổi lớn và đã đứng vị trí thứ hai thế giới về kích cỡ kinh tế. Nhưng chúng tôi luôn hiểu rõ ràng rằng, Trung Quốc có dân số lớn với một nền tảng (vật chất) dễ vỡ. Phát triển là mất cân đối”.
-
Thái An (Theo AP, Reuters, THX)