Từ tháng 1 đến hết tháng 10-2024, Thư viện tỉnh Thái Nguyên đã cấp hơn 600 thẻ bạn đọc. Trong ảnh: Bạn đọc khai thác thông tin tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên.

Từ tháng 1 đến hết tháng 10-2024, Thư viện tỉnh Thái Nguyên đã cấp hơn 600 thẻ bạn đọc. Trong ảnh: Bạn đọc khai thác thông tin tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên.

Thời công nghệ, số hóa thể hiện sự sống còn của mọi ngành nghề trong xã hội. Ngành thư viện Việt Nam không đứng ngoài cuộc, trong đó có Thư viện tỉnh Thái Nguyên.

Trong điều kiện cơ sở vật chất không phù hợp, hệ thống phòng đọc chắp vá, xuống cấp, thường xuyên phải tu sửa, nhưng nhiệm vụ số hóa luôn được Thư viện tỉnh coi trọng, đặt lên hàng đầu.

Anh Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh: Xây dựng thư viện số, thư viện trực tuyến là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ thông tin. Tiện ích của thư viện số cho phép người dùng truy cập vào các tài liệu kỹ thuật số như sách, báo, tạp chí, hình ảnh, âm thanh, video và nhiều loại tài liệu khác đã được chuyển đổi sang dạng số. Không nhất thiết phải đến thư viện, bạn đọc có thể truy cập thông tin, đọc sách, báo… ở bất cứ chỗ nào.

Từ năm 2004, Thư viện tỉnh được Nhà nước đầu tư 1 hệ thống thư viện điện tử, phần mềm quản trị thư viện tích hợp ILIB 3.05, với giá trị gần 400 triệu đồng. 5 năm sau (2009), Quỹ Bill & Melida Gates (BMGF-VN) tài trợ cho Thư viện tỉnh 1 máy chủ, 20 máy vi tính phục vụ bạn đọc. Mục đích của Dự án này là nâng cao khả năng ứng dụng máy tính và truy cập Internet công cộng Việt Nam.

Trong thực hiện số hóa, từ năm 2014 Thư viện tỉnh đã sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh, với tổng số 150 đơn vị tài liệu, trong đó 129 sắc phong, 15 thần tích, thần sắc và 6 hương ước.

Thuận lợi là đến năm 2015, Thư viện tỉnh tiếp nhận thêm hợp phần nội dung của Dự án BMGF-VN, gồm 1 máy chủ, 2 máy scanner.

Hợp phần này được trang bị nhằm mục đích hướng dẫn cán bộ làm công tác chuyên môn của Thư viện tỉnh cách sử dụng phần mềm thư viện số DSPACE và trang thiết bị số hóa tài liệu do Dự án nâng cấp nhằm đào tạo, vận hành, triển khai thực hiện xây dựng bộ sưu tập số địa phương.

Cán bộ Thư viện tỉnh hướng dẫn bạn đọc khai thác, tìm tài liệu trên máy tra cứu.

Cán bộ Thư viện tỉnh hướng dẫn bạn đọc khai thác, tìm tài liệu trên máy tra cứu.

Trong thực hiện nhiệm vụ, Thư viện tỉnh luôn ưu tiên cho công tác số hóa tài liệu. Kết quả 5 năm gần đây (2019-2023) Thư viện tỉnh đã số hóa được 392 bản sách, tương đương 164.038 trang tài liệu, trong đó 66.180 trang tài liệu địa chí Thái Nguyên, 85.861 trang tài liệu về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn tập, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tài liệu lịch sử Đảng.

Thư viện tỉnh cũng đã xây dựng được 1 bộ sưu tập số hóa các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh, với tổng số 150 đơn vị tài liệu là các đạo sắc phong.

Một điểm mới là từ năm 2023 đến nay, Thư viện tỉnh thực hiện triển khai xây dựng hệ thống thư viện số theo mô hình phân cấp cha con; liên kết thư viện tỉnh với các thư viện cấp huyện.

Theo đó, Thư viện tỉnh cung cấp đường dẫn truy cập, tài khoản và mật khẩu cho cán bộ quản lý thư viện huyện để thực hiện thao tác với hệ thống.

Để an toàn trong quá trình cập nhật khai thác tài liệu, Thư viện tỉnh thuê máy chủ cài đặt phần mềm, quản trị và vận hành phục vụ quản lý, khai thác, tra cứu và tìm kiếm thông tin.

Hiện toàn bộ các thiết bị như: Firewall, tủ Rack, Switch, thiết bị wifi được Thư viện tỉnh rà soát, cảnh báo ẩn chứa các phần mềm độc hại loại bỏ không sử dụng.

Toàn bộ hệ thống được kết nối mạng của nhà mạng Viettel, các máy vi tính được cài đặt phần mềm diệt virus. Riêng trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh được bảo vệ hệ thống tường lửa và phần mềm diệt virus.

Từ năm 2023 đến hết tháng 10/2024, Thư viện tỉnh đầu tư mới 35 máy vi tính, 8 máy tra cứu, 1 máy scan, 1 ti vi. Hầu hết cán bộ của đơn vị được tham gia các lớp tập huấn sử dụng, ứng dụng phần mềm quản lý thư viện.

Qua đó nâng cao được năng lực, công tác nghiệp vụ quản lý thư viện của đội ngũ những người người làm công tác quản lý và trực tiếp phục vụ bạn đọc.

Một tin vui là từ năm 2024, Thư viện tỉnh đã xin cấp tài khoản sử dụng phần mềm thư viện dùng chung Vietbiblio cho 161 thư viện trường học trên địa bàn tỉnh.

 Theo Phạm Ngọc Chuẩn (Báo Thái Nguyên)