Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 128 km, tổng diện tích vùng biển khoảng 20.000 km2, có 5 cửa biển là Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An và Lăng Cô là điều kiện thuận lợi về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh khu vực ven biển, qua đó giúp người dân phát triển kinh tế biển, vươn lên làm giàu.

Trong khi nguồn lợi thủy sản gần bờ, trung bờ ngày càng khan hiếm thì việc vươn khơi, vùng biển xa để khai thác hiệu quả là điều tất yếu trước xu thế hiện nay. Hướng đi của ngành thủy sản tỉnh là tổ chức phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng biển khơi gắn với các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. 

anh 7chuan.jpg
Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh khu vực ven biển, qua đó giúp người dân phát triển kinh tế biển.

Theo Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu phát triển thủy sản phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; định hướng phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn đến năm 2030”. Xây dựng thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, có quy mô và giá trị hàng hóa, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng phần lớn nhu cầu thủy sản tiêu thụ trong tỉnh và xuất khẩu một số đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao.

Phát triển toàn diện ngành thủy sản tỉnh theo hướng bền vững, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới, gắn với đảm bảo môi trường sinh thái cho người dân. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi.

Đảm bảo phát triển hài hòa diện tích đất, mặt nước ở các địa phương để vừa đảm bảo chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan. Phù hợp với phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030.

Đồng thời, thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, chọn tạo và bảo tồn những giống loài thủy sản chủ lực và bản địa. 

Theo đó, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản trung bình hàng năm giai đoạn 2022-2025 đạt 5% trở lên; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 70 triệu USD; giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.760 tỷ đồng; tổng sản lượng thủy sản đạt 68.500 tấn; trong đó sản lượng khai thác thủy sản 45.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 23.500 tấn.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành kế hoạch về nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh. 

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản. Tăng cường rà soát các văn bản phân cấp quản lý nhà nước giữa tỉnh và địa phương và nhiệm vụ phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến quản lý thủy sản. Bổ sung, điều chỉnh để phát huy năng lực quản lý nhà nước ở các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương theo chức năng quản lý chuyên ngành và chức năng quản lý địa bàn.

Hàng năm căn cứ vào các chương trình đào tạo của Trung ương, xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức toàn diện về quản lý nhà nước, chú trọng các kỹ năng tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách thủy sản. 

Nhờ đó, trong năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn song lĩnh vực thủy sản của Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 7.800 ha, tương đương năm 2022. Cùng với đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng và chế biến, tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển để khai thác thủy hải sản, đặc biệt là khai thác xa bờ. 

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV