Thừa Thiên Huế là tỉnh duyên hải miền Trung, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh có gần 4 vạn đồng bào dân tộc thiểu số với 5 dân tộc, chiếm 2,65% dân số toàn tỉnh, cư trú trên 45 xã miền núi. Trong đó tập trung đông nhất ở 27 xã chủ yếu ở huyện biên giới A Lưới và Nam Đông. Đây là những huyện có đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao.

Lợi dụng những đặc điểm này, bọn tội phạm sử dụng các thủ đoạn để lừa gạt người ra nước ngoài bóc lột sức lao động hoặc vì các mục đích vụ lợi khác. Chúng thường lợi dụng sự sơ hở, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân, đưa ra công việc nhàn hạ, thu nhập cao, viễn cảnh giàu có sung túc để thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác tuyên truyền tại khu vực biên giới có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Nhiều chương trình phổ biến kiến thức được triển khai, thu hút đông người quan tâm, tham dự. 

 Nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người. 

Điển hình là Chương trình tuyên truyền kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới do Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phối hợp tổ chức vào ngày 28/7. 

Tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên các đơn vị đã giới thiệu về các phương thức, thủ đoạn, loại hình hoạt động của tội phạm mua bán người và hậu quả do loại tội phạm này gây ra; thực trạng, giải pháp phòng, chống tệ nạn mua bán người; giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ và nhân dân xã Lâm Đớt.

Với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới vẫn còn nhận thức không đồng đều nên địa bàn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tội phạm mua bán người. 

Thực hiện Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, đồng thời hạn chế những hệ luỵ lâu dài do tội phạm mua bán người gây ra, buổi tuyên truyền hướng tới mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Qua buổi tuyên truyền sẽ giúp cho cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật, tinh thần cảnh giác, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới nói riêng. Góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng biên giới giàu mạnh.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp, các cơ quan chức năng của huyện An Lưới đã xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia. 

Các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài ngay từ địa bàn bản, làng, thôn, xã.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV