Cuộc đua "màu xanh”

“Xanh hóa” hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là hướng đi các doanh nghiệp buộc phải hướng tới. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho rằng: Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh.

Đây là lúc doanh nghiệp cần phải đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững, phát triển bao trùm.

Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới. Nhiều quốc gia đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ông Vinh ví von đó như một cuộc đua xanh “tuy thầm lặng nhưng rất khốc liệt” của các nước trên thế giới và của cả các nước trong khu vực.

Dự án xanh là xu thế. Ảnh: Lương Bằng

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận các thị trường và nguồn vốn tín dụng xanh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cần phát triển để không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển khu vực tư nhân bền vững.

Theo VCCI, chi phí đầu tư cho sản xuất “xanh”, vận hành, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường rất lớn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm trước mắt.

Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của doanh nghiệp còn hạn chế (37%). Đáng chú ý, 91% doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương; tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp.

Mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Chi phí lớn, cần tiếp cận được nguồn tín dụng xanh

Báo cáo của Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho hay: Có nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ tài chính cho việc Việt Nam loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Amcham khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền xem xét khung pháp lý phù hợp, dễ tiếp cận để cung cấp các dự án điện khí ngoài khơi, LNG, điện gió, điện mặt trời và hệ thống truyền tải chất lượng cao với nhu cầu vốn đáng kể từ thị trường quốc tế.

Điều quan trọng để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế là các hợp đồng mua bán điện có khả năng vay vốn ngân hàng (PPA) đối với nguồn năng lượng bền vững. Tín dụng xanh cung cấp mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân để giảm thiểu phát thải CO2, nhưng khung pháp lý cần được cập nhật để làm rõ các tiêu chí phê duyệt tín dụng xanh.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG).

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực, chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho các dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon”, VCCI khuyến nghị.

Lương Bằng