Ngày 6/7, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại học Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp nhóm làm việc trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc với chủ đề “Hợp tác ASEAN - Trung Quốc về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng”.

W-cuộc họp asean_trung quốc.JPG.jpg
Cuộc họp nhóm làm việc trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (NACT) với chủ đề “Hợp tác ASEAN - Trung Quốc về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng” diễn ra ngày 6/7 tại Đà Nẵng. Ảnh Diệu Thuỳ

Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích các xu hướng mới trong dịch chuyển chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng. Từ đó, trao đổi về những cơ hội và thách thức đặt ra cho các nước ASEAN và Trung Quốc và đưa ra một số khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp kể từ 2020.

ASEAN và Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng, phải đối mặt với 3 thách thức lớn: sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu; các mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường gây ra và tác động của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc có thể nắm bắt các cơ hội bằng cách tận dụng các thế mạnh chung về sản xuất, công nghệ, nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp sẽ đến Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội đầu tư

TS. Vũ Lê Thái Hoàng cho biết, trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên rõ ràng trong phát triển kinh tế, tập trung vào thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, hiệu quả và bền vững; tích cực thúc đẩy các dự án về công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...

W-ông hồ kỳ minh_1.JPG.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh. Ảnh Diệu Thuỳ

“Việt Nam cũng đặt mục tiêu thúc đẩy Đà Nẵng và nhiều thành phố ven biển trở thành những điểm trung chuyển quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc”, TS. Vũ Lê Thái Hoàng cho hay.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách để đưa thành phố trở thành một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Trong đó, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; công nghiệp vi mạch bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...Đà Nẵng đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. 

Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được cho phép thành lập Khu Thương mại tự do để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, thương mại, logistics. Theo ông, đây là động lực quan trọng, tạo điều kiện để TP Đà Nẵng phát triển bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo ông, cuộc họp là dịp để các học giả cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện các bên liên quan tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Sau cuộc họp này, thành phố hy vọng nhiều đối tác, doanh nghiệp sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng.