Mới đây, phương tiện xe không người lái đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm tại Thành phố mới Bình Dương trên lộ trình vòng cung dài 750 m kết nối tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương và Khu thương mại Hikari.
Thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ nghiên cứu hiện thực hóa phát triển đô thị kiểu TOD với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị sử dụng công nghệ thông minh ở Đông Nam Á do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tiến hành.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, việc đưa vào thực nghiệm xe tự lái tại Thành phố mới Bình Dương sẽ góp phần tích cực vào công tác đổi mới, sáng tạo, cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Đặc biệt, xe tự hành kết nối từ các khu vực xung quanh với Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương tạo thêm tính tiện ích cho giải pháp giao thông công cộng và phục vụ cho cộng đồng.
Tỉnh Bình Dương đang phấn đấu thực hiện thành công “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau", hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm động lực liên kết vùng và liên vùng.
Với sự nỗ lực và định hướng phát triển phù hợp, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ và là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
Liên tục trong 4 năm (2019 - 2022), Bình Dương đã được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới - SMART 21. Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh Bình Dương được công nhận là một trong 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Chiến lược đồng bộ
Theo Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040: mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương sẽ nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học, công nghệ vào tăng trưởng kinh tế khoảng 45% và trên 50% vào năm 2030. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% năm 2030. Đến năm 2040, đưa Bình Dương thuộc nhóm các đô thị thông minh, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và đáng sống trên cả nước.
Để đạt hiệu quả mong muốn, Bình Dương sẽ hoàn thiện và phát triển 3 thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An và Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương trở thành địa điểm đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội, phát triển dịch vụ, kinh tế trọng điểm, hình thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống.
Đồng thời, phát triển khu thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam, làm đòn bẩy giúp định vị Bình Dương là trung tâm logistics cho thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á. Phát triển Khu công nghiệp Khoa học, công nghệ, trong đó tập trung đầu tư công nghệ cao trong các ngành sản xuất chiến lược...
Hiện thực hoá các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh triển khai thực hiện theo mô hình 5 lớp của Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, gồm: Quy hoạch đô thị; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển toàn diện, kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực.
“Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương sẽ đưa địa phương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh”, ông Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh.
Hải Hà