Thạc sĩ Vũ Thị Vân Anh (SN 1976) đã có nhiều đóng góp trong công cuộc lan tỏa, truyền bá tiếng Việt ra thế giới. Bên cạnh dạy tiếng Việt cho người Hà Lan, chị còn là giáo viên dạy tiếng Việt tự do. 

Chị Vân Anh chia sẻ, mỗi tỉnh ở Vương quốc Hà Lan đều có thầy cô giáo dạy tiếng Việt, đa số là tình nguyện, giúp các cháu thế hệ thứ 2, thứ 3 có thể kết nối và hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt ở vùng Den Haag – nơi có Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan thì phong trào dạy tiếng Việt rất mạnh; các cháu học online, học trực tiếp. Vào các ngày 8/3, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết cổ truyền hay Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 đều có các hoạt động thu hút sự tham gia của các cháu đến hát bài hát Việt Nam. Ở đây có câu lạc bộ tiếng Việt và thư viện sách tiếng Việt.

W-439348458-722445793300697-6155835676304293778-n-2.jpg
Chị Vân Anh có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở Hà Lan. 

Các cô giáo dạy tiếng Việt ở Hà Lan đều đã qua khóa dạy tiếng Việt do Bộ Ngoại giao tổ chức vào tháng 8 tại Hà Nội. Các khóa đào tạo cung cấp những phương pháp giảng dạy mới, sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy.

Tại Hà Lan có nhiều nơi dạy tiếng Việt như nhà chùa, câu lạc bộ, nhóm học. Đại sứ quán Việt Nam quan tâm, mở lớp dạy miễn phí thời gian đầu. Ban đầu chỉ có 7, 8 em ở khu vực Den Haag nhưng sau này giao cho bà con tự quản lý và phát triển. 

"Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương là một trong những giáo viên tích cực của cộng đồng đã nhận và tiếp tục triển khai theo hình thức học online, thu hút được lượng học sinh cả nước. Cao điểm có 35 học viên tham gia, 3 cô phụ trách. Tất cả là dạy thiện nguyện, miễn phí", chị Vân Anh kể.

Hiện có 5 nhóm lớp đang duy trì. Số lượng học sinh ngày một tăng nhưng số người dạy hạn chế. Vì thế, có nhiều dự định sẽ thay đổi lớp tiếng Việt để phù hợp với lượng học viên và để việc học tiếng Việt thực sự hiệu quả, chất lượng. 

Việc dạy tiếng Việt cho thế hệ kiều bào trẻ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Theo chị Vân Anh, khó khăn nhất khi dạy tiếng Việt ở nước ngoài là các cháu ít có môi trường thực hành, bố mẹ bận cũng không có thời gian nói chuyện, kèm thêm tiếng Việt cho con ở nhà mà phần lớn là dùng tiếng Hà Lan. 

Để thúc đẩy hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, trong các gia đình người Việt Nam tại Hà Lan, chị Vân Anh đã lồng ghép, đan xen tổ chức các sự kiện Ngày Việt Nam, Ngày hội Nem để quảng bá văn hóa, đồng thời kết nối bà con kiều bào ở khu mình sinh sống tham dự và giao lưu tiếng Việt. 

Đồng hành trong các sự kiện này không thể thiếu bóng dáng mẹ đẻ của chị Vân Anh. Bà năm nay 75 tuổi, từng là giáo viên vật lý, sau đó chuyển sang Nhà xuất bản Giáo dục biên tập sách vật lý và dạy nữ công gia chánh (ẩm thực, thêu thùa, may vá) cho mọi người. 

Mẹ chị Vân Anh sinh sống ở Việt Nam nhưng đến hè, bà thường sang ở cùng con gái khoảng vài tháng. Với khả năng nấu ăn ngon, bà thường làm nem để mời mọi người trong khu phố. Từ người lao động, nhân viên nhà ga… đều từng được thưởng thức hương vị món nem Việt Nam do bà chế biến.

Ngày hội Nem được chị Vân Anh tổ chức hàng năm vào dịp hè. Chị thường xuyên tham gia công tác tình nguyện trong viện dưỡng lão của khu và đó là nơi đầu tiên chị cùng mẹ triển khai làm nem, người lớn tuổi sẽ được thưởng thức trước.  

439734587 333941426365812 2084834668372876074 n.jpg
Mẹ chị Vân Anh luôn đồng hành cùng con gái trong các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hà Lan. 

Ban đầu, gia đình chị Vân Anh chỉ làm Ngày hội Nem ở quy mô nhỏ nhưng sau được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tài trợ nên chị có điều kiện tổ chức lớn hơn. Lúc đó, chị mời các sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Hà Lan đến hỗ trợ vừa làm nem, vừa nói chuyện và quảng bá về văn hóa Việt Nam.

Đợt các nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn, chị tranh thủ kết hợp để mọi người biết đến văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Lần nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh sang Hà Lan dự Liên hoan Đàn môi quốc tế, chị Vân Anh tổ chức 1 buổi âm nhạc Việt Nam và mời nghệ sĩ biểu diễn. Hoặc nghệ sĩ nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang khi đang học đại học và thạc sĩ tại Hà Lan luôn là khách mời các Ngày hội Nem của gia đình chị Vân Anh. 

Những sự kiện văn hóa như vậy mang ý nghĩa lớn với việc truyền bá, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, để thế hệ kiều bào trẻ dù sinh ra và lớn lên ở đất nước khác vẫn luôn hướng về cội nguồn, yêu tiếng Việt. 

Ngày 20/4 (tức 12/3 Âm lịch), nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn 2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức Đoàn kiều bào gồm gần 70 đại biểu trở về từ hơn 20 quốc gia trên thế giới hành hương về Đền Hùng - Phú Thọ.

Chương trình về nguồn góp phần nâng cao nhận thức của kiều bào về niềm tự tôn, tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc, tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết bà con với quê hương nguồn cội.

Chị Vân Anh là 1 trong số các đại diện trở về từ Hà Lan tham dự chương trình. Đại gia đình đã dành thời gian chuẩn bị, lựa chọn cho chị chiếc áo dài phù hợp với chuyến dâng hương, đó là chiếc áo dài mang họa tiết trống đồng và màu sắc của lá cờ Tổ quốc.

“Bộ áo dài này là của mẹ tôi. Đây là sự kiện đặc biệt nên đại gia đình tôi rất mong đợi và chuẩn bị chu đáo, lập cả “hội đồng” chọn áo dài. Điều đó khiến tôi thực sự hạnh phúc và tự hào vì có gia đình luôn sát cánh”, chị Vân Anh tâm sự. 

w-439417193-429296789749027-8776890709485822219-n-3-1.jpg
Kiều bào ở Hà Lan chụp ảnh cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Đền Hùng. 

Ngoài ra, mẹ chị Vân Anh còn chuẩn bị cho con gái chiếc nón và chiếc túi mang lá cờ Hà Lan do bà tự tay may trước ngày khởi hành về Đền Hùng với ý nghĩa đại diện người Việt Nam tham dự sự kiện trọng đại này.

Quỳnh Nga