Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đơn vị đi tiên phong trong việc triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân, nhất là tổ chức, công dân ở xa trung tâm thành phố, trung tâm đã triển khai nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản qua số tài khoản, dùng điện thoại di động thông minh quét mã QR Pay, quẹt thẻ ATM, thẻ tín dụng qua máy POS, thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Các hình thức thanh toán này không chỉ tiết kiệm thời gian cho tổ chức, công dân mà còn tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
Năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thu hơn 28,7 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC. Trong đó, có hơn 15,8 tỷ đồng thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt (chiếm 55%). Số lượt giao dịch không dùng tiền mặt năm 2023 là 40.913 lượt, tăng 366,4% so với cùng kỳ năm 2022. Các đơn vị có lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cao là: Sở Tư pháp (32.166 lượt), Sở Y tế (2.458 lượt), Sở Giao thông - Vận tải (2.152 lượt), Sở Tài nguyên và Môi trường (1.117 lượt)...
Anh Ngô Văn Cường, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nếu như trước đây, tôi phải đến trực tiếp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong giờ hành chính để nộp lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp thì giờ đây tôi có thể ở nhà để nộp hồ sơ và thanh toán lệ phí trực tuyến. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động để chuyển khoản vào thời gian nào trong ngày cũng được. Tôi thấy rất tiện lợi cho người dân”.
Thúc đẩy nhanh lộ trình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng sử dụng điện, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã đa dạng hóa các hình thức thu tiền điện. Khách hàng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Thanh toán trực tuyến trên web chăm sóc khách hàng, qua hệ thống ngân hàng bằng hình thức trích nợ tự động, chuyển khoản hoặc ví điện tử của các tổ chức trung gian thu hộ như VNPT, Viettel, Payoo, Ecpay...
Từ nỗ lực của ngành điện, sự phối hợp chặt chẽ của ngân hàng và các tổ chức trung gian, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân, năm 2023, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt của Công ty Điện lực Thanh Hóa đạt 93,18%, tăng 2,05% so với kế hoạch và tăng 1,13% so với cùng kỳ.
Chị Nguyễn Thị Hòa, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: “Những năm trước, cứ đến ngày 12 hằng tháng tôi phải đến nhà văn hóa phố để thanh toán tiền điện. Hôm nào quên hoặc bận không đến nộp được thì những ngày sau đó, tôi phải lên Công ty Điện lực Thanh Hóa để nộp tiền. Nhưng giờ đây, với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiện ích, chỉ cần vài thao tác đơn giản, tôi có thể thanh toán tiền điện ngay tại nhà hoặc nơi làm việc, rất nhanh gọn, thuận lợi và an toàn”.
Thực hiện Đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp dung lượng, mở rộng mạng lưới viễn thông băng rộng di động và phát triển các điểm cung cấp dịch vụ internet, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, toàn tỉnh có 9.347 trạm BTS được lắp đặt tại 3.982 vị trí; 100% các thôn, bản đã được phủ sóng thông tin di động băng rộng 3G, 4G; có 4.513 điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng tại các khu vực tập trung đông người...
Các tổ chức tín dụng cũng đã quan tâm đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin an toàn, tiện ích; hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ được cải thiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động ổn định. Cuối năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 361 máy ATM, gần 4.000 máy thanh toán qua thẻ ngân hàng (POS) với 3.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng...
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi như mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử; thanh toán, rút tiền tại ATM bằng mã QR... Theo đó, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt trên 150 triệu giao dịch.
Nhiều nhóm dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện, nước... đã thanh toán bằng các phương thức điện tử. Năm 2023, số người được chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp thông qua thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 36% tổng số đối tượng; có 54/69 đơn vị trong ngành y tế thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; có 3.217/3.399 đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện chi trả lương qua tài khoản; tỷ lệ người hưởng lương từ ngân sách được trả lương qua tài khoản chiếm khoảng 90%.
Mặc dù có rất nhiều tiện ích, song thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều khó khăn bởi hình thức này mới chỉ tập trung cho người dân khu vực đô thị. Đối với người dân khu vực nông thôn, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng cách thức thanh toán này chưa nhiều.
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra đến năm 2025 theo Đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” giai đoạn 2021-2025, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và triển khai thêm các phương thức thanh toán mới tiện lợi, thu hút đông đảo người dân sử dụng.
Theo Tố Phương (Báo Thanh Hóa)