Nhờ sự cảnh giác cao độ của Tổng thống Hussein cũng như nghiệp vụ đáng nể của cơ quan an ninh Iraq mà nhiều âm mưu đen tối đã bị phát hiện và bị ngăn chặn từ trong trứng nước. Thế nhưng, ít người biết đến một trường hợp hi hữu khi chính CIA năm 1993 đã “giúp” người Iraq vô hiệu hoá một âm mưu đảo chính chống lại ông Hussein.

Người đứng ra dàn xếp âm mưu này là Taleba Shukheil, thủ lĩnh tổ chức Tatimi đối lập với chính thể Saddam Hussein. Chính ông này là cầu nối giữa nhóm chính biến với Mỹ. Một nhân vật quan trọng khác là Salakh Jaber, con trai cựu Thủ tướng Iraq đã thất sủng. Jaber chính là người đã đứng ra thành lập Hội đồng Iraq tự do bao gồm 21 nhóm đối lập với S. Hussein.

{keywords}
Cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, còn có khoảng 60 sĩ quan cao cấp của quân đội Iraq, trong đó có cả một số tướng lĩnh - đa số họ là những người bất mãn do không được trọng dụng hoặc từng bị xử lí kỉ luật. Thậm chí, một số nhân vật có nguồn gốc từ Tikrit, tỉnh quê hương của Tổng thống Hussein.

Thế nhưng, nhân vật chủ chốt và người lãnh đạo lại là tướng Suffian al Greiri, Tư lệnh lữ đoàn thiết giáp thuộc lực lượng Vệ binh cộng hoà - thành phần con cưng của quân đội Iraq. Trợ lí cho tướng al Greiri là Tiến sĩ Radji al Tabriti, Cục trưởng Quân y; Đại tá Maer Shult, chỉ huy quân sự tỉnh Carcukh; và Jasem Mukhlas, nghị sĩ Quốc hội Iraq.

Vào một ngày tháng 10/1992, Jasem Mukhlas nhân một chuyến công tác đến Jordan đã tìm gặp Taleba Shukheil đang lưu vong tại đây. Nghe Mukhlas trình bày kế hoạch đảo chính, Shukheil nhất trí và hứa sẽ giúp liên hệ với người Mỹ xin trợ giúp.

Thông qua các mối quan hệ tại các nước vùng Vịnh và với Salakh Jaber lúc bấy giờ đang làm ăn tại London, Shukheil đã móc nối được với đại diện của CIA và đạt được thoả thuận về một cuộc gặp để bàn bạc mọi vấn đề. Cuộc gặp diễn ra tại London vào 28/10 cùng năm. Mukhlas và Jaber chuyển cho đại diện CIA kế hoạch bạo động cùng danh sách những người tham gia.

Theo kế hoạch này, cuộc đảo chính sẽ được tiến hành vào ngày 17/3/1993, đúng vào ngày kỉ niệm thành lập quân đội Iraq và sẽ có duyệt binh tại thủ đô Baghdad. Dự kiến, tín hiệu để bắt đầu khởi sự sẽ là cuộc không kích của các máy bay Mỹ vào Tổng hành dinh quân đội Iraq và một căn cứ không quân gần Baghdad.

Cuộc không kích chỉ dừng ở mức độ đủ gây kinh hoàng và rối loạn cho các đơn vị trung thành với Tổng thống Hussein. Các đơn vị dưới quyền tướng al Greiri sẽ tiến vào thủ đô, chiếm lĩnh các vị trí chủ chốt, bao vây dinh tổng thống và buộc Tổng thống Hussein phải đầu hàng...

Tại cuộc gặp ở London, những đại diện của nhóm đảo chính đã không nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía người Mỹ ngoài câu “hãy chờ thêm một thời gian nữa”. Họ chia tay nhau. Jaber ở lại London, Shukheil và Mukhlas bay đi Amman, rồi từ đó Mukhlas quay về Baghdad.

Ba tháng sau người Mỹ mới tìm gặp Jaber với câu trả lời: “Chúng tôi không tham gia vụ này”. Jaber lập tức chuyển câu trả lời của CIA cho Shukheil đang ở Amman. Ông này khẩn cấp thông báo tình hình cho Baghdad. Thế nhưng hoặc đã quá muộn, hoặc nhóm chính biến đã quyết định cứ hành động mà không cần người Mỹ nữa.

Ngày 14/3/1993, ba ngày trước cuộc duyệt binh, tướng al Greiri được triệu tập gấp đến gặp Saddam Hussein tại dinh tổng thống và từ đó không quay trở ra nữa. Đích thân Kusai Hussein - con trai Tổng thống và chỉ huy Cơ quan Tình báo Iraq là tướng Saber ad Duri chỉ huy việc bắt giữ và hỏi cung al Greiri. Quá sợ hãi, viên tướng non gan này đã khai ra tất cả.

Chỉ trong vòng 2 tuần sau đó, 1.500 người có liên quan, trong đó có 10 sĩ quan cao cấp của quân đội Iraq bị bắt giữ. Bản thân Taleba Shukheil bị bắn chết bởi 8 viên đạn AK tại nhà riêng của ông ta tại thủ đô Beirut của Lebanon. Âm mưu đảo chính mãi mãi chỉ là âm mưu.

Nói về nguyên nhân thất bại của kế hoạch, Salakh Jaber - người thoát chết nhờ nằm lì ở London cho rằng, chính Mỹ đã bỏ rơi nhóm đảo chính. Vấn đề là ở chỗ, vào thời điểm ấy ông Bill Clinton mới nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ông ta muốn thúc đẩy quá trình hoà đàm ở Trung Đông giữa Palestine và Israel nhằm xây dựng một “Khu vực Cận Đông mới”.

Việc loại bỏ Saddam Hussein vào lúc này là không hợp lí bởi có thể dẫn tới một sự bất ổn chẳng những trong nội bộ Iraq mà còn ở Iran và trong khu vực nói chung.

Bản thân Saddam Hussein bị suy yếu sau Chiến tranh vùng Vịnh và do cấm vận cũng không còn là mối nguy hiểm đối với người Mỹ. Chính vì thế mà Washington đã không phê duyệt kế hoạch chính biến của nhóm al Greiri.

Theo Salakh Jaber, trong ngày đầu tiên cùng bị bắt với tướng al Greiri còn có 10 nhân vật quan trọng khác của nhóm đảo chính. Đây chính là 10 người nằm trong danh sách mà Shukheil, Mukhlas và Jaber trao cho Mỹ trong cuộc gặp tại London. Chỉ CIA nắm được danh sách này.

Nguyên Phong