UKVFTA được ký chính thức tại London, vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021 và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA.
Mới đây, tại hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới", Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái phân tích, UKVFTA đã đưa quan hệ thương mại 2 bên lên tầm cao mới. Trước đây, khi cả giai đoạn đầu chúng ta còn khó khăn, quan hệ thương mại giữa hai bên chủ yếu dựa trên ưu đãi đơn phương của Anh dành cho Việt Nam thông qua Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đến nay, khi chúng ta đã đạt đến quy mô và trình độ nhất định, FTA là khuôn khổ “có đi có lại”.
Một cơ hội nữa cho Việt Nam, Anh là quốc gia nắm nhiều công nghệ nguồn, với hàng hoá có chất lượng rất cao. Trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất khá ở mức 23,6%, nếu so với các thị trường khác con số này tăng không nhỏ.
Đáng quan tâm hơn, những mặt hàng hai bên dự tính tập trung hợp tác trong quá trình đàm phán như mặt hàng dược phẩm tăng tới 35%. Hay những mặt hàng khác Anh có thế mạnh như nguyên vật liệu, linh kiện máy tính đều có tăng trưởng xuất khẩu sang VIệt Nam khá trong năm đầu.
Nói về đầu tư, ông Thái cho rằng, dư địa thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư với Anh còn rất lớn. 1 năm chúng ta nhìn chưa rõ về kỳ vọng thu hút đầu tư của Anh vào Việt Nam.
Dù năm đầu tiên đầu tư từ Anh vào Việt Nam có tăng nhưng tăng nhẹ. Bởi tác động về đầu tư trong các FTA thường sẽ lâu hơn so với tác động thương mại. Để xây dựng và thực thi những dự án đầu tư không thể nhanh được. Nhưng chúng ta kỳ vọng thời gian tới đầu tư từ Anh vào Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa.
Không chỉ trong đầu tư, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, còn có nhiều ngành hàng Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn như thuỷ sản, gạo… xuất khẩu sang Anh mà chúng ta chưa tận dụng hết.
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai bên, theo ông Thái đòi hỏi nhiều vấn đề khác mà hai bên cần hợp tác trong thời gian tới như tăng cường giao lưu doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy xúc tiến thương mại - đầu tư…
“Tới đây hai bên sẽ họp tổng kết 1 năm thực hiện hiệp định để đề ra những định hướng mới, điều chỉnh những bất cập như quy tắc xuất xứ, cấp phép hạn ngạch... Cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần quan tâm nhiều hơn tới hiệp định nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên trong thời gian tới để phát huy tiềm năng, lợi thế của hai nước”, ông Thái cho biết và khuyến nghị.
Để biến tiềm năng thành lợi ích thực sự, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần tiếp tục đánh giá, xác định các khó khăn, những vấn đề còn tồn tại và tìm ra những giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.
Quang Ninh, Nguyễn Doanh, Hoài Bắc