Do chịu mức thuế cao nên hầu hết các dòng xe có xuất xứ từ Đức, Anh và Nhật Bản về Việt Nam đã giảm rất mạnh, xe Anh giảm hơn 50%, xe Đức cũng gần 40%, xe Nhật và Hàn Quốc cũng giảm rất mạnh.

Trong khi đó, xe giá rẻ của các nước như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia ngày càng chiếm thị phần lớn tại Việt Nam.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc trong quý I/2017 nổi lên hiện tượng xe xuất xứ từ Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc đã và đang giảm lượng nhập lớn về Việt Nam.

Mức giá xe nhập xe bình quân của hai thị trường Anh và Đức đang tăng khá mạnh, trong khi đó, các dòng xe từ Nhật, Hàn Quốc dù có giá rẻ hơn nhưng lượng xe nhập về cũng giảm nhanh trông thấy.

Ngược lại, ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Nga có chiều hướng gia tăng về lượng, giá giảm rõ rệt.

{keywords}

Lượng nhập giảm, doanh thu bán ngày càng chậm, giá cao khiến những dòng xe "xịn" của Đức, Anh đang dần mất thị trường ở Việt Nam

Về lượng xe Anh nhập về Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2017 chỉ có hơn 105 chiếc, đơn giá trung bình là 1,3 tỷ đồng/xe. Lượng giảm hơn 130 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, nhưng giá lại tăng 370 triệu đồng/chiếc. So với cùng kỳ năm 2015, lương xe Anh về Việt Nam giảm hơn 215 chiếc (hơn 67%), giá xe tăng hơn 400 triệu đồng/chiếc.

Với xe Đức, lượng nhập 3 tháng vừa qua đạt hơn 365 chiếc, giá nhập trung bình 1,8 tỷ đồng/chiếc. Lượng nhập giảm hơn 230 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 (giảm gần 40% về lượng), mức giá đã tăng hơn 1 tỷ đồng/chiếc. So với cùng kỳ năm 2015, lượng nhập cũng giảm hơn 20 chiếc, mức giá trung bình cũng tăng khoảng 1 tỷ đồng/chiếc.

Đáng chú ý, xe Nhật về Việt Nam cũng nằm trong xu hướng giảm lượng nhập từ 1.700 xe (3 tháng năm 2016) xuống chỉ còn hơn 1.000 xe trong quý I vừa qua, mức giảm 700 chiếc. So với cùng kỳ năm 2015, lượng xe từ Nhật về trong quý I vừa qua giảm hơn 500 chiếc.

Xe Hàn còn giảm mạnh hơn, từ con số 6.000 chiếc 3 tháng năm 2015, xuống 3.500 chiếc cùng kỳ năm 2016, quý I vừa qua chỉ còn 2.900 chiếc, mức giảm lần lượt là hơn 600 chiếc sau 1 năm và hơn 3.100 chiếc sau 2 năm.

Nguyên nhân quan trọng khiến giá xe Anh, Đức nhập về Việt Nam đắt hơn là do xe xuất xứ từ các nước này vẫn chịu mức thuế nhập khẩu thấp nhất là 70 - 90%, tùy theo dung tích. Mặc dù Việt Nam và các nước EU, trong đó có khối liên hiệp Anh có ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA chính thức thực hiện năm 2015) nhưng ô tô từ các nước EU, Anh về Việt Nam được xếp là mặt hàng nhạy cảm cao (ảnh hưởng cán cân thương mại) nên quá trình cắt giảm thuế buộc phải có lộ trình sau 10 năm khi FTA chính thức có hiệu lực, tức là năm 2025. Đây cũng là lý do khiến giá xe nhập từ các nước châu Âu về Việt Nam vẫn đắt đỏ.

Trong khi đó, ngay trong cuối năm 2016 và đầu năm 2017, thuế đối với xe nhập từ các nước ASEAN vào Việt Nam đã giảm từ 40% xuống 30%, điều này giúp xe giá rẻ Thái Lan, Indonesia ngày càng được cộng hưởng lợi thế khi vào Việt Nam.

Theo lý giải của một số doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe hơi, lượng xe nhập khẩu từ các nước như Anh, Đức, Hàn hay Nhật giảm mạnh do chịu sự cạnh tranh giá rất khốc liệt từ xe các nước ASEAN và Ấn Độ về Việt Nam.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng hơn là từ ngày 1/7/2016, Việt Nam áp dụng chính sách Thuế suất Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, đánh rất mạnh vào những dòng xe có dung tích xi lanh cao, dòng xe sang, cao cấp và giảm từ 5% - 10% mức thuế đối với xe có dung tích dưới 2.0L đến 1.0L.

Với mức thuế đánh cao nhất lên đến 90-150% đối với dòng xe từ 3.0L đến 6.0L trở lên, dù không tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu xe hơi, nhưng theo đại diện DN trên nó cũng tác động gián tiếp làm giá bán xe tăng mạnh tại Việt Nam, khiến các đại lý không dám nhập về vì sợ ế, lỗ lớn.

Thực tế, các nước có công nghiệp xe hơi phát triển đều đưa ra những chủng loại xe có dung tích xi lanh cao, với tiêu chuẩn khí thải từ Euro 4, Euro 5 (các nước EU), Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng áp dụng tiêu chuẩn khí thải này dành cho xe sử dụng trong nước, và xuất khẩu kể cả những xe có thiết kế dung tích xi lanh thấp từ 1,5L đến 2.0L.

Theo ông Lâm Chí Quang, chuyên gia ô tô, cố vấn của Toyota Việt Nam: Xe giá rẻ, đồng nghĩa với các ứng dụng và thiết bị đi kèm được cắt bớt, đó là điều hiển nhiên để giảm giá xe. Tuy nhiên, một vấn đề khác nữa là xe giá rẻ thường rơi vào xe sử dụng nhiên liệu là xăng tiêu chuẩn thấp, xe phát thải ra môi trường ô nhiễm hơn.

Nếu chính sách thuế TTĐB là định hướng tiêu dùng thì Việt Nam cần phải nhanh chóng đưa các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải làm hàng rào phi thuế quan, nhằm ngăn chặn cuộc tập kết xe giá rẻ, chất lượng thấp, khí thải không đạt chuẩn về Việt Nam. Nếu không sớm được lập được, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành bãi rác xe hơi của thế giới.

(Theo Dân trí)