Hy vọng của người bệnh giai đoạn cuối
Bốn năm trước, ông P.V.M (57 tuổi, Thái Bình) bị mất ngủ, sụt cân nên đã đến bệnh viện tỉnh kiểm tra sức khỏe. Khi chụp CT phổi, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có u nên giới thiệu khám chuyên khoa ung bướu. Tại Bệnh viện K (Hà Nội), bác sĩ chẩn đoán ông M. bị ung thư phổi, chỉ định phẫu thuật, truyền hóa chất.
Giữa năm nay, người đàn ông này bị tái phát. Bác sĩ đã làm xét nghiệm đột biến gene cho nam bệnh nhân, kết quả dương tinh với gene EGFR, có thể dùng thuốc điều trị đích.
Điều người đàn ông này đau đáu nhất là chi phí lớn khoảng 40-50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ông cũng tự động viên "bệnh còn điều trị được", tác dụng phụ của thuốc nhẹ như mẩn ngứa, thỉnh thoảng tiêu chảy.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, trước đây, người mắc ung thư phổi giai đoạn tiến triển di căn thời gian sống rất ngắn nhưng hiện nay có nhiều thuốc đích thế hệ mới điều trị khá hiệu quả. Người bệnh có thế sống lâu hơn, giảm các triệu chứng, tình trạng sức khỏe giai đoạn cuối cải thiện.
Thuốc đích được chỉ định dành cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối, tái phát tiến triển, di căn xa có đột biến gene. Sau điều trị hóa chất, họ sẽ được sử dụng thuốc đích, liệu trình khoảng 3 năm giúp thu nhỏ u, kéo dài thời gian. Tại Bệnh viện K, nhiều bệnh nhân ung thư phổi phù hợp với điều trị đích đã sống thêm 5-10 năm dù ở giai đoạn muộn.
Ít tác dụng phụ
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa điều trị A, Bệnh viện K, cho biết hiện nay ung thư phổi có 3 phương pháp điều trị chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Quyết định chọn lựa phương pháp chữa phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh, thể ung thư, tuổi và thể trạng.
Với người bệnh giai đoạn sớm, khối u còn khu trú, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi. Sau đó, bác sĩ chỉ định các phương pháp bổ trợ như xạ trị hoặc hóa chất.
Điều trị hóa chất gây nhiều tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, ăn không ngon, táo bón, tiêu chảy, rụng tóc, tê bì tay chân, đau nhức cơ xương, hoa mắt, chóng mặt, nhiễm trùng...
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, thuốc điều trị đích thế hệ chỉ tác động đến tế bào ác tính, không diệt tế bào lành, do vậy ít có tác dụng phụ hơn hóa trị thông thường.
Điều trị miễn dịch là phương thức hỗ trợ hệ miễn dịch nhận ra các tế bào ung thư như kháng nguyên lạ, kích thích đáp ứng miễn dịch diệt tế bào u, ngăn chặn quá trình ức chế miễn dịch cho phép dung nạp tăng sinh khối u.
Tác dụng phụ hay gặp nhất của 2 thuốc này là tiêu chảy và các phản ứng về da như ban dạng mụn trứng cá, bong da hay đóng vảy. Trong một số trường hợp ít gặp, tác dụng phụ rất nặng phải giảm liều hoặc ngưng hẳn điều trị.
Hiện nay, thuốc điều trị ung thư thế hệ mới hầu hết chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Theo bác sĩ Tuấn Anh, chi phí điều trị liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân khoảng 500-600 triệu đồng/năm, tùy từng bệnh nhân chỉ định và loại thuốc. Một bệnh nhân có thể phải điều trị 2 năm nên đây là số tiền lớn không phải ai cũng chi trả được.
Từ tháng 1/2019 đến năm 2023, Bộ Y tế đã phê duyệt 18 chương trình hỗ trợ thuốc, hơn 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo nhận tổng số tiền hơn 1.600 tỷ đồng. Người bệnh được tiếp cận thuốc điều trị, đặc biệt là các loại biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí cao mà chưa được quỹ BHYT chi trả. Trung bình mỗi người bệnh được hỗ trợ 264 triệu đồng.
Hai chương trình hỗ trợ người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ được Bộ Y tế triển khai:
Tên thuốc | Số bệnh nhân | Số tiền (tỷ đồng) |
Keytruda (pembrolizumab) | 2.450 | 734,6 |
Tagrisso (osimertinib) | 1.612 | 625,9 |
Thời gian hỗ trợ hơn 9 năm từ tháng 4/2020-6/2029 |