Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19

Theo báo The Guardian, từ ngày 11/4 giới chức Thượng Hải bắt đầu nới lỏng phong tỏa tại một số khu vực bất chấp số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, hơn 25.000 trường hợp.

Gu Honghui, một quan chức của đô thị 26 triệu dân này cho biết, người dân được phép tiến hành một số hoạt động thích hợp ở những khu vực không có ca mắc Covid-19 nào trong ít nhất hai tuần. Cư dân của những khu vực sạch Covid-19 này không được phép tới những nơi đang bị phong tỏa chặt chẽ. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Gu cho biết, mỗi quận sẽ công bố tên những cộng đồng đầu tiên được nới lỏng phong tỏa.

Hôm qua (11/4), Thượng Hải ghi nhận 914 ca nhiễm virus corona có triệu chứng và 25.173 ca không triệu chứng. 

Thành phố Mỹ tái bắt buộc đeo khẩu trang bên trong nhà

Ảnh: AP

Ngày 11/4, Philadelphia đã trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ tái khôi phục việc bắt buộc đeo khẩu trong nhà sau khi số ca nhiễm virus corona tăng mạnh. Quan chức y tế hàng đầu của thành phố này cho biết, bà muốn chặn trước làn sóng lây nhiễm mới do các biến thể phụ của biến thể Omicron gây ra. 

Hãng tin AP dẫn lời Tiến sĩ Cheryl Bettigole, một ủy viên y tế của Philadelphia cho biết, trong vòng 10 ngày, số ca mắc Covid-19 tại thành phố này đã tăng hơn 50%, đây là mức mà theo hướng dẫn của thành phố là người dân cần đeo khẩu trang. 

Giới chức y tế tại đây cho biết, số ca nhiễm gần đây tăng cao là do biến thể phụ dễ lây nhiễm BA.2 của biến thể Omicron, loại đã lan truyền rất nhanh ở khắp châu Âu và châu Á và trở thành biến thể trội ở Mỹ trong vài tuần gần đây. 

Đức sắp vứt bỏ 3 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19

Hãng AP đưa tin, Bộ Y tế Đức ngày 11/4 cho biết, nước này có thể phải vứt bỏ 3 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 hết hạn vào cuối tháng 6. Phát ngôn viên bộ này là Hanno Kautz nói, cho tới giờ Berlin chưa phải tiêu hủy nhiều liều vắc xin nhưng không đưa ra con số chính xác. "Chúng tôi hiện có nhiều vắc xin hơn số lượng cần dùng và số lượng có thể hiến tặng".

Quan chức này cho biết, chương trình phân phối vắc xin tới các quốc gia nghèo hơn COVAX hiện không nhận quyên góp vắc xin. "Có nguy cơ số vắc xin này sẽ bị vứt bỏ", ông Kautz nói và cho biết thêm, do gần đây xuất hiện thông tin vắc xin BioNTech-Pfizer có thể lưu trữ lâu hơn, nên tới cuối tháng 6, chỉ có 3 triệu liệu bị vứt bỏ hoặc tiêu hủy thay vì 10 triệu liều như ước tính trước đó.  

Chương trình tiêm chủng của Đức đang bị chậm đáng kể, trung bình mỗi ngày nước này chỉ tiêm 33.000 mũi vắc xin ngừa Covid-19 vào tuần trước. Trong khi đó, vào thời điểm Đức đẩy mạnh tiêm chủng, mỗi ngày có hơn 1 triệu liều vắc xin được sử dụng. 

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất hiện nay

Hoài Linh