Công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao đã và đang được chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) tích cực thực hiện. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay, huyện Thường Tín có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong khi đó, mục tiêu năm 2023, huyện phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Duyên Thái, Quất Động, Văn Phú, Chương Dương, Tự Nhiên, Thắng Lợi, Tô Hiệu, Hiền Giang, Nguyễn Trãi và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, thời gian tới, huyện Thường Tín chủ trương duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện, xã nông thôn mới, tiến tới xây dựng huyện, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, bảo đảm việc xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường sinh thái trong lành, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê...
Trên cơ sở đó, huyện Thường Tín sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Huyện tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu tiên cho phát triển sản xuất; tiếp tục đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp; đầu tư giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy việc liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân địa phương.
Đồng thời, huyện phân công các thành viên Ban Chỉ đạo huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Xây dựng nông thôn mới đã giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín ngày càng phát triển. Hiện nay, nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến.
Đến nay, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu
Kết quả đạt được là do đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện. Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó khuyến khích, động viên được người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.