Dẫn thực tế có đối tượng được trang bị nhiều súng, lựu đạn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phải căn cứ tình huống, mức độ để quyết định nổ súng.

Chiều nay (10/1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhiều ý kiến phát biểu đề cập đến quy định về trường hợp nổ súng sau khi có cảnh báo và nổ súng không cần cảnh báo.

Điều 21 của dự luật quy định, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc, trong đó có căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

Làm rõ nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh, đây gần như là nguyên tắc chính của người cầm súng và người chỉ huy người cầm súng. Dẫn trường hợp vây bắt một đối tượng phạm tội ở Kon Tum mà biết rõ đối tượng trang bị nhiều súng, lựu đạn, ông Vương cho biết căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ lúc đó thì chỉ huy được quyền ra lệnh nổ súng, thậm chí tiêu diệt đối tượng.

Về quy định không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, việc đặt vấn đề này là tính đến nhóm người yếu thế nên đã cân nhắc kỹ và có trường hợp loại trừ.

Liên quan trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hơn nội dung: “Người bị giam giữ, áp giải do phạm tội đang chạy trốn hoặc chống lại; đối tượng đang đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử do phạm tội hoặc chấp hành hình phạt tù”. Theo bà Nga, cần cụ thể việc “chống lại” của đối tượng đến mức độ nào thì lực lượng thực thi công vụ bắn chỉ thiên và sau đó là bắn thẳng vào đối tượng.

Cho rằng hành vi “chống lại” trên thực tế muôn hình vạn trạng, Thượng tướng Lê Quý Vương dẫn ví dụ có trường hợp ở Hải Phòng trước đây, đang trên đường dẫn giải thì đối tượng chạy vào nhà dân lấy dao chém nhiều người, đồng chí công an bị thương. Việc nổ súng hay không trong trường hợp này lúc đó khiến người thực thi công vụ băn khoăn.

Dự thảo luật cũng quy định, người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều 21 và các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp nổ súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc lạm dụng việc nổ súng để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới

Theo VOV