Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

 Cơ chế, chính sách nào tốt thì nhân rộng

Theo báo cáo gửi đến phiên họp, Chính phủ đề nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thêm 1 năm đến hết ngày 31/12/2023.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, nếu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì “phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 là cần thiết”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn. Điều này phần nào làm chậm quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; làm giảm tính vững chắc, nhất quán trong thực thi pháp luật.

“Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy chỉ có thêm 1 năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện”, bà Mai lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị TP.HCM phải quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách gì mới đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp.

Chẳng hạn như những hạn chế, bất cập khi thực hiện chính sách đất đai cần làm rõ vướng ở đâu, thẩm quyền ban hành quy trình thủ tục để các bộ ngành hỗ trợ “đánh trúng điểm nghẽn” giúp TP.HCM khai thác tốt nguồn lực phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nghị quyết của Quốc hội về thí điểm là rất cần thiết và quá trình thực hiện chứng minh nhiều cơ chế, chính sách phát huy công năng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố lớn.

“Mục tiêu không phải đặc thù để đặc thù, mà để thấy cơ chế, chính sách nào tốt thì nhân rộng ra”, ông Vương Đình Huệ dẫn chứng một số cơ chế, chính sách áp dụng hiệu quả ở TP.HCM đã được Quốc hội cho phép thực hiện với một số địa phương khác.

"Có những việc thành phố muốn làm lắm nhưng cân nhắc"

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ “có những việc thành phố muốn làm lắm nhưng cân nhắc vì mới, khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó hơi không mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều”.

Nêu thực tế có những việc nghị quyết đã cho nhưng thực hiện không phải đơn giản, ông Hoan dẫn chứng vấn đề thu hồi đất lúa trên 10ha và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ thì lại vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư. Đó là cái khó dẫn đến chậm triển khai.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Phạm Thắng

Hoặc cổ phần hoá khi có phương án phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất nên không làm được... Hay tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố “các anh chị cũng chưa sắp xếp nên không có cơ hội để thành phố triển khai".

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, hiện thành phố đã chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới báo cáo Chính phủ trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ nhà nước.

“Thực ra TP.HCM cũng cố gắng làm, làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho thành phố phát triển, có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước”, ông Hoan nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Chính phủ cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân, việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.

Trong đó, đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, phân tích tác động cụ thể của từng chính sách, đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân một số chính sách, cơ chế chưa thực hiện hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 4.

Về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Nghị quyết 54 quy định cho TP.HCM chi không quá 1,8 lần và thực tiễn TP áp dụng 1,2, khi đó chưa có Nghị quyết 27 (chỉ cho không quá 0,8).

Hiện nay một số thành phố như Hải Phòng, Cần Thơ thì mức quy định cũng 0,8. Vậy TP.HCM có được phép tiếp tục chi 1,8 như Nghị quyết 54 hay sửa lại mức 0,8 như các nghị quyết cho các thành phố khác? Ông Tùng cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm, hiện Chính phủ chưa đề xuất chính sách thay thế Nghị quyết 54 và đề nghị kéo dài thêm một năm thì có lẽ chưa nên đặt vấn đề thay đổi.

Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị TP.HCM lưu ý đã có chủ trương thì trong quá trình thực hiện chỉ nên dừng ở mức 1,2 chứ không nên lên 1,8 để tạo mức chênh quá lớn với các địa phương khác.