467046 o.jpg
Tia laser lần đầu tiên được ứng dụng trong công nghệ sạc không dây.

Các nhà khoa học châu Âu thuộc Hiệp hội phát triển hệ thống năng lượng không dây cho vệ tinh nano đã có thể thực hiện thành công quy trình sạc thiết bị từ khoảng cách rất xa bằng tia laser thông thường.

Ý tưởng được coi là một bước đột phá quan trọng, bởi tia laser trước đây chủ yếu mới chỉ được sử dụng để truyền thông tin hoặc ứng dụng như một dạng vũ khí năng lượng.

Hiệp hội bao gồm một số viện nghiên cứu ở Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha. Công trình nghiên cứu chung của họ nằm trong khuôn khổ chương trình Thiết bị điện không dây cải tiến sử dụng máy phát điện vi nhiệt (WiPTherm), cho phép phát triển nguyên mẫu của hệ thống truyền tải điện không dây mới. 

Dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng trước tiên trên các vệ tinh vi mô và nano để cung cấp năng lượng cho chúng. Do kích thước của vệ tinh loại này quá nhỏ, các nhà khoa học đã không thể trang bị cho chúng các tấm pin mặt trời thông thường. 

Nguyên lý sạc cho các thiết bị bằng phương pháp này khá đơn giản. Một chùm tia laser sẽ được chiếu vào các cảm biến, khiến nhiệt độ của chúng tăng lên và tạo ra một dòng điện trong hệ thống máy thu.

467045 o.jpg
Chùm tia laser đang được ứng dụng phổ biến trong công nghệ sợi quang.

Hệ thống quang học của thiết bị bao gồm nhiều thấu kính và một số lượng lớn cảm biến nhiệt điện (27 chiếc). Chùm tia laser, là ánh sáng có bước sóng 1550 nanomet, hoạt động như một máy phát.

Loại tia laser tương tự đang được sử dụng phổ biến trong công nghệ sợi quang. Hệ thống hiện tại đang được các nhà khoa học phát triển dự kiến ​​sẽ truyền được tới 1kW năng lượng bằng chùm tia laser.

Công nghệ này hiện vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng và sẽ cần được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

(theo OL)