Mỗi ngày bán cả nghìn chiếc
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Minh Phương chủ tiệm bánh rán 52 Hàng Chiếu (Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, hơn 30 năm về trước chị được mẹ chồng truyền lại cho công thức làm bánh rán.
Chị Nguyễn Minh Phương chia sẻ: “Khi đó, tôi làm bánh cho gia đình thưởng thức. Ai đấy cũng khen ngon. Tôi quyết định làm để bán, ngày ấy bán ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây, nay thuộc về Hà Nội) hơn 10 năm. Đến năm 2005 tôi chuyển về 52 Hàng Chiếu để bán”.
Ban đầu, mỗi ngày chị chỉ làm vài chục cái để bày bán ở cửa nhà với giá 200 đồng/chiếc. Dần dần, mọi người đến mua đông hơn, phải thuê thêm thợ và các con cùng làm.
Những chiếc bánh rán thành phẩm của cửa hàng chị Phương |
Không như những hàng bánh rán khác với đủ chủng loại mặn ngọt, tiệm bánh của chị Nguyễn Minh Phương chỉ có 1 loại bánh rán đường và mật.
Tiệm bánh rộng chừng 15m vuông mở cửa từ 7h sáng đến 18h chiều, mỗi công đoạn chế biến bánh đều nằm trước mắt thực khách. Nhiều người hiếu kỳ đến đứng chờ xem làm bánh để được thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi nhất.
Được biết, hiện tại cửa hàng của chị có 5 người làm công. Mức lương mỗi lao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
“Trời sang thu cũng là lúc người ta tìm đến tôi nhiều hơn. Mỗi ngày bình quân tôi làm hết 30kg bột được khoảng 2.000 chiếc bánh, với giá 4 nghìn đồng/chiếc” - chị Nguyễn Minh Phương chia sẻ.
Luôn có người chờ đợi mua bánh rán |
Khách hàng của tiệm bánh rán 52 Hàng Chiếu đa phần là khách quen. Cũng không ít thực khách nghe danh mà đến để thưởng thức cho bằng được thứ bánh “danh bất hư truyền” này.
Không chỉ bán tại cửa hàng, mấy năm trở lại đây bánh rán của chị Nguyễn Thị Minh Phương còn được gửi đi một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên,…
“Nhiều người ở tỉnh khác họ đến ăn một lần rồi đặt bánh về để bán lại, mỗi ngày nhà tôi gửi đi các tỉnh cũng phải đến cả trăm chiếc” – chị Nguyễn Minh Phương nói.
Chị Nguyễn Thị Minh Phương đích thân rán bánh để bán |
Là một khách quen của hàng bánh rán 52 Hàng Chiếu, chị Nguyễn Thu Hà trú tại Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Gần chục năm nay mỗi cuối tuần hay có việc ở gần tôi lại ghé vào mua bánh rán ở đây đem về thưởng thức và làm quà cho người thân”.
Từng công đoạn làm nên vị ngon
Theo chị Nguyễn Thị Minh Phương, để làm nên vị ngon của bánh cần phải tỉ mỉ từng công đoạn từ khâu chọn gạo đến khâu đảo đường, nhưng quan trọng nhất là phải sạch sẽ.
Gạo làm bánh được chị lựa chọn kỹ càng từ những tỉnh như Nam Định, Thái Bình sau đó được vo kỹ, ngâm đủ 10 tiếng để bánh sử dụng được lâu mà không bị chua.
Bánh được làm 100% từ bột nếp, tạo nên chiếc bánh giòn ở ngoài mềm bên trong mà không bị cứng.
Tiệm bánh tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập lên đến 10 triệu đồng 1 người/tháng |
Cũng theo chị Nguyễn Thị Minh Phương, khâu làm nhân bánh cũng cực kỳ quan trọng. Nhân bánh là yếu tố ảnh hưởng đến sự ngậy, béo thơm nồng của chiếc bánh.
Theo đó, nhân bánh phải được làm từ những hoạt đậu xanh tách vỏ sạch sẽ, sau đó đem đi đồ thật kỹ sao cho đậu nhuyễn ra rồi trộn với dừa xay và đường. Trung bình, cứ 1kg đỗ xanh trộn với 0,3 kg dừa.
Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Minh Phương phải thức dậy từ 3 giờ sáng để trộn bột, đồ đỗ chuẩn bị nguyên liệu để kịp bánh bán cho khách vào đầu giờ sáng.
Để chiếc bánh ngon phải tỉ mỉ trong từng công đoạn và quan trọng phải sạch sẽ |
Theo chị Nguyễn Thị Minh Phương, bí quyết riêng của gia đình để tạo lên những chiếc bánh vàng đều và giòn phải có khoai lang luộc nhừ sau đó xay nhuyễn rồi trộn vào cùng bột làm bánh.
Bánh được nặn xong, phải cho lên chảo rán ngay, người thợ không được rời mắt khỏi chảo bánh để bánh được vàng đều mà không bị khô. Vừa vớt ra khỏi chảo dầu sôi, khi còn đang nóng nghi ngút khói bánh rán được đưa sang chảo đánh đường, mật.
“Công đoạn đánh đường, mật phải thật nhanh tay, canh sao cho đường và mật vừa đủ tan ra bám vào lớp ngoài của bánh, chỉ để quá lửa vài giây thôi là bánh sẽ bị đắng và cho mùi khét” - chị Nguyễn Thị Minh Phương cho biết thêm.
Tiệm bánh có rất nhiều khách quen ở Hà Nội và cách tỉnh lân cận |
Sau 10 năm làm công việc rán bánh thuê tại 52 Hàng Chiếu, chị Phạm Thị Hân 42 tuổi, quê ở Thị xã Sơn Tây cho rằng, nghề làm bánh tuy không nặng nhọc nhưng rất vất vả, luôn chân luôn tay làm việc quanh năm chỉ trừ 3 ngày Tết Nguyên đán.
Làm việc từ 6h - 18h chiều, công việc khá bận rộn vì phải ngồi cạnh chảo dầu sôi. Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, chị Phạm Thị Hân dành dụm được 5 triệu đồng gửi về quê nuôi con ăn học.
Trải qua hơn 30 năm thăng trầm, từ những ngày chỉ bán được chục chiếc bánh đến nay cửa hàng của chị Nguyễn Thị Minh Phương cung cấp hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Minh Phương tâm sự: “Nhờ vào sự đam mê giữ gìn nét ẩm thực truyền thống này, tôi theo đuổi nghề từ những năm ngồi bán bánh cả ngày chỉ được vài nghìn đồng. Ngoài ra, khách hàng luôn ủng hộ cũng là động lực để tôi tiếp tục duy trì nghề làm bánh rán của gia đình”.
(Theo Dân Trí)