Công văn được gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quân Y, Tổng Cục hậu cần, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an và các Viện Vệ sinh dịch tế, Viện Pasteur.
Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận vắc xin Moderna do COVAXFacility hỗ trợ để tiêm chủng cho người dân. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin, để sử dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả các lô vắc xin Moderna, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:
Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó.
Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 bằng vắc xin Moderna cho người đã tiêm vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca mũi 1.
Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vắc xin Pfizer theo hướng dẫn của nhà sản xuất (3 tuần). Khoảng cách sau mũi 1 vắc xin AstraZeneca theo Công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 (Bộ Y tế hướng dẫn khoảng cách 2 mũi từ 8-12 tuần, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm, thời gian tối thiểu tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất là từ 4-12 tuần).
Dự án Tiêm chủng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm khi triển khai tiêm phối hợp các loại vắc xin phòng Covid-19.
Sở Y tế các tỉnh thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn, đúng lịch. Thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao.
Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn, đúng lịch.
Tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng |
Trước đó, tại các quyết định phân bổ vắc xin của mình, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị không tiêm "trộn" vắc xin Moderna với vắc xin Covid-19 khác.
Tuy nhiên, đến ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không còn sản xuất hoặc cung ứng không kịp thời cho mũi nhắc lại, có thể dùng vắc xin Moderna (hoặc Pfizer) để tiêm mũi 2 nếu tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. Bên cạnh đó, nếu mũi 1 tiêm vắc xin Moderna thì mũi 2 có thể tiêm vắc xin Pfizer và ngược lại.
Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 131 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 có công nghệ sản xuất khác nhau (vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm,…), trong đó đã tiêm hơn 75 triệu liều tiêm mũi 1 và hơn 56 triệu liều tiêm mũi 2.
Bảo An
Cả nước thêm 14.638 ca Covid-19, Hà Nội và Đà Nẵng có số mắc tăng cao
Bộ Y tế ngày 12/12 công bố 14.638 ca Covid-19, giảm 1.483 ca so với ngày hôm qua.
Chuyên gia gợi ý cách tiêm giảm tác dụng phụ của vắc xin Covid-19
Một số nhà khoa học Hong Kong cho rằng, những người chủng ngừa bằng vắc xin BioNTech nên tiêm vào đùi chứ không phải bắp tay để giảm nguy cơ viêm cơ tim.