Ngày 18/9 tới đây Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ chính thức khởi công vở diễn Cây gậy thần. Hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương kết hợp với nhau nhằm tạo ra sự mới mẻ cũng hy vọng sẽ thu hút khán giả đến với sân khấu.
Nghệ sĩ Minh Hải - diễn viên Nhà hát Cải Lương Việt Nam lần đầu tiên tập luyện với ngựa trên sâu khấu cho biết, cảm giác của anh vô cùng thú vị. "Sân khấu Cải lương thường là mô phỏng, ví dụ có cưỡi ngựa ra trận cũng là hình thức sân khấu hoá, đằng này ở vở diễn sắp tới, tôi được ngồi trên ngựa thật, vừa cưỡi ngựa vừa hát. Cảm giác chắc chắn sẽ khác, tôi hồi hợp mong chờ sự đón nhận của khán giả".
Nghệ sĩ Minh Hải. |
Nghệ sĩ Cải Lương Ninh Thị Như Quỳnh hàng ngày vẫn tập luyện với việc vừa hát, vừa ngồi trên dải lụa. Vốn là người sợ độ cao nhưng vì háo hức, nữ nghệ sĩ quên hết cả sợ hãi. "Ngồi trên dải lụa mà đổ vọng cổ thì thế nào nhỉ? Bản thân tôi cũng háo hức, chắc khán giả cũng không ngoại lệ. Sự kết hợp này đem đến cho chúng tôi nhiều trải nghiệm bất ngờ, các anh chị ở Liên đoàn Xiếc đã rất tận tình chỉ bảo chúng tôi. Thực sự kỳ công" - nghệ sĩ Như Quỳnh hào hứng.
Kết hợp các loại hình nghệ thuật trong cùng vở diễn, thế giới đã làm từ lâu
Là đạo diễn trẻ, vừa đạo diễn thành công vở kịch Người tốt nhà số 5 – kịch bản cố tác giả Lưu Quang Vũ, NSƯT Tạ Tuấn Minh cho biết cách đây hơn 10 năm cố đạo diễn NSND Anh Tú cũng đưa Tuồng vào kịch trong trích đoạn Edip làm vua, đưa điệu múa trò Xuân Phả - điệu múa độc đáo của Thanh Hoá vào vở kịch Hamlet.
“Thế nên tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau, hoà vào nhau tạo hiệu quả, hiệu ứng cho tác phẩm sân khấu. Bởi mục đích tối cao của chúng ta là mang tới cho khán giả những xúc cảm thẩm mỹ nghệ thuật. Thực ra việc kết hợp này thế giới họ đã làm từ rất lâu rồi, cụ thể là trong những vở nhạc kịch. Nhưng ở Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật chưa áp dụng nhiều bởi rất nhiều lý do, trong đó vấn đề kinh phí luôn là vấn đề đầu tiên”, NSƯT Tạ Tuấn Minh cho hay.
NSƯT Quang Khải trong vở Ngàn năm mây trắng. |
NSƯT Quang Khải, nghệ sĩ đảm đương vai Trương Lỗ trong Ngàn năm mây trắng - vở diễn đạt giải B Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm gần đây chia sẻ: “Bản thân chúng tôi cũng không thể ngờ rằng Cải lương, Chèo, hát Xẩm, hát Văn Huế lại có thể hòa quyện với nhau trong một vở diễn nhuần nhuyễn và ngọt đến thế. Không có một rào cản cách biệt gì đối với nghệ sĩ biểu diễn ở từng loại hình khi cùng diễn trên một sân khấu.
NSƯT Thu Trang (vai nàng Tô Thị) hay tôi vừa ca xong một bài cải lương thì NSƯT Văn Chương ngâm một câu hát chèo tiếp nối cũng rất hợp lý. Tự thân các giai điệu của các loại hình âm nhạc dân tộc đã tạo nên sự độc đáo này khi chúng tự tìm được sự hòa quyện với nhau, tôn vinh lẫn nhau”.
Còn NSƯT Văn Chương (vai Trần Khôi 2) trong Ngàn năm mây trắng cho hay, chính sự kết hợp sáng tạo, mới mẻ của vở diễn khiến những người nghệ sĩ như anh thấy hứng thú. “Các vai diễn cũng thể hiện rõ ràng, vẫn hòa nhập được với nhau nhưng không mất đi bản sắc riêng của mình. Mảng miếng của Chèo, Cải lương hay ca Huế đều rất rõ, được đưa vào một cách ngọt ngào cho từng vai diễn. Xưa nay người ta chỉ nghĩ hát Xẩm là một thể loại hát rong, hát vặt ở ngoài đường phố, thôn quê nhưng đưa vào sân khấu để làm thành nhân vật có tính kịch, có xung đột, hành động, điều này thể hiện sự tài tình của đạo diễn”.
Trong khi đó, diễn viên Thanh Hương khẳng định đã là diễn viên chuyên nghiệp dù sự kết hợp nào đi chăng nữa vẫn phải làm tốt. Nghệ thuật là cả một sự sáng tạo và nếu diễn viên được trải nghiệp ở nhiều dạng vai, nhiều sự kết hợp mới mẻ thì đó là may mắn, không phải khó khăn.
Tiền đôi khi không thể xử lý được mảng miếng sân khấu
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam là tác giả kịch bản của nhiều vở kịch sáng tạo và gần đây nhất là Ngàn năm mây trắng - vở kịch kết hợp nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cho rằng với góc nhìn chủ quan của mình, các nhà hát nên thay đổi theo hướng kết hợp này để kéo khán giả đến với sân khấu.
“Mỗi nhà hát là một đặc thù riêng nhưng tôi luôn nghĩ quan trọng là xử lý về mặt nghệ thuật. Tiền đôi khi không thể xử lý được mảng miếng sân khấu. Tôi nghĩ rằng nếu làm được, các nhà hát sẽ tạo cho công chúng sự bất ngờ và tò mò. Khán giả sẽ tò mò xem liệu kết hợp như thế sẽ ra ‘món’ gì, có nhuần nhuyễn hay không, hay chỉ là phép cộng thuần tuý? Nó cũng gây thú vị cho khán giả bởi cùng một buổi đi xem mà có thể thưởng thức được vài loại hình nghệ thuật cùng một lúc. Trong nghệ thuật, yếu tố tò mò và bất ngờ là đã ăn điểm rồi”, ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả kịch bản của nhiều vở kịch hay, sáng tạo. |
Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng khẳng định, để có sự kết hợp giữa các nhà hát, cần phải có kịch bản hay. “Ít có đạo diễn nào, dù là phù thuỷ sân khấu giỏi cỡ nào đi nữa mà kịch bản không hay vở diễn cũng không thể thành công. Cho nên các nhà viết kịch bản cũng phải chuyển hướng, đa dạng hơn. Trong hoạt động nghệ thuật, không nên mặc định ai đó chỉ làm điều này, không thể làm điều khác. Nghệ thuật lạ lắm, nếu chúng ta biết động viên các nghệ sĩ, có chất xúc tác về nghệ thuật họ đều có thể làm được” - ông Nguyễn Thế Kỷ nói.
Tình Lê
Các nhà hát 'bắt tay' đưa làn gió mới vào sân khấu
Ở Việt Nam, mỗi nhà hát đều có đặc thù riêng nhưng khi họ bắt tay kết hợp các loại hình nghệ thuật trên cùng một sân khấu lại là "món lạ" - "ngon, hay dở" còn tuỳ vào khán giả nhưng đó là sự chuyển mình đáng ghi nhận.