Theo các chuyên gia, tỷ giá cuối năm sẽ có biến động hơn so với giai đoạn trước đây, đến từ các động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra.
Hình minh họa: TTXVN. |
Thận trọng cuối năm
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, trong tuần trước, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại đi ngang, duy trì ở mức 22.900/23.100. Trong khi đó, tỷ giá ở thị trường tự do không thay đổi ở chiều mua vào và giảm khoảng 10 đồng trên mỗi đô la Mỹ ở chiều bán ra, kết thúc tuần ở mức 23.300/23.340.
Trong nhận định mới đây về diễn biến kinh tế cuối năm 2021, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, cho rằng nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, quan điểm của đơn vị này là vẫn không bỏ ngỏ khả năng tiền đồng chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo là 23.100 vào cuối năm nay.
Còn báo cáo triển vọng quí 3-2021 trước đó của UOB, dự báo tỷ giá sẽ ở mức khoảng 23.000 trong quí 3 và quí 4 năm nay, lên mức 23.100 trong quí 1 năm sau.
Trong khi đó, một số tổ chức dự báo thậm chí tiền đồng tăng nhẹ, như Mirae Asset dự báo tiền đồng sẽ tăng giá trong biên độ quanh mức 0,5% trong năm nay. Công ty chứng khoán Maybank KimEng dự kiến cuối năm có thể ở mức 22.600 đồng/đô la. Còn SSI dự kiến tỷ giá sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ về cuối năm.
Dù vậy, theo đánh giá chung, các nhân tố hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá vẫn đang diễn biến tích cực.
Trong đó, yếu tố lạm phát duy trì ở mức tương đối ổn định. Khối Nghiên cứu HSBC dự báo lạm phát trung bình vào khoảng 2,8% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu tối đa 4% đề ra.
Còn theo SSI đánh giá, hiện tại, dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI vẫn khá tích cực nên đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa và dẫn đến cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng, dự trữ ngoại hối vẫn khá dồi dào.
Về phía quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 vào tuần đầu tháng 6. Điều này cho thấy dư địa để tiền đồng có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn, theo ông Khoa.
Cũng theo đại diện HSBC Việt Nam, một trong những rủi ro cuối năm có thể kể đến là cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.
“Nhìn chung, có một điều khá chắc chắn rằng tỷ giá sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như trong sáu tháng đầu năm ngoái. Thay vào đó, thị trường cuối năm sẽ có nhiều biến động hơn từ quốc tế, đặc biệt là các động thái của Fed trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra”, ông Khoa nhận định.
Nguồn: SSI. |
Ẩn số từ đồng đô la
Theo ông Khoa - HSBC Việt Nam, mặc dù trong hầu hết thời gian 6 tháng đầu năm 2021, tỷ giá đa phần giao dịch trong biên độ 23.010-23.100 với xu hướng thiên về tiền đồng tăng giá, nhưng dường như tình hình có xu hướng đảo ngược sau kỳ họp gần nhất của Fed.
Việc Fed ra tín hiệu trong cuộc họp tháng 6 vừa qua với lộ trình nâng lãi suất hai lần vào năm 2023 và khả năng giảm mua lại tài sản, thị trường tài chính đã trải qua nhiều phiên biến động mạnh.
Chỉ số đô la Mỹ sau khi đạt đỉnh của năm vào cuối quí 1, đang tìm lại sức mạnh của mình khi bật tăng trở lại vào nửa cuối tháng 6, ngay sau phiên họp thường kỳ của Fed.
Với việc đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á chịu áp lực suy yếu tương ứng, và đồng Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6 giá trị đồng Việt Nam đã tăng 0,37% so với đô la Mỹ, được đánh giá là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực, theo SSI.
Khả năng đồng đô la tăng giá được nhắc đến trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều quốc gia đã không còn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua hoạt động bơm thanh khoản vào thị trường, thậm chí ngược lại đã có một số NHTƯ nâng lãi suất hoặc bắt đầu nhắc tới lộ trình nâng lãi suất và hút thanh khoản trở lại trong tương lai gần.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho biết sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), nhóm nghiên cứu này vẫn nghi ngờ về khả năng Fed muốn thắt chặt quá nhanh vì Fed vẫn đang áp dụng chính sách mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức trung bình, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu đang nằm trong quỹ đạo phục hồi.
“Vì vậy đánh giá của chúng tôi về đồng đô la Mỹ vẫn không thay đổi, đồng này sẽ giảm trong dài hạn”, nhóm nghiên cứu bình luận về hướng đi của tiền đồng sau sự kiện Fed dự kiến sớm tăng lãi suất.
Bên cạnh áp lực từ đồng đô la, một yếu tố ảnh hưởng khác còn là việc đàm phán với Chính phủ Mỹ trong việc xem xét áp thuế bổ sung liên quan đến những cáo buộc định giá thấp tiền đồng.
Theo UOB, tiền đồng vẫn chịu sự theo dõi của các nhà chức trách của Mỹ, trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục tăng cường giám sát các hoạt động quản lý ngoại hối của Việt Nam, dù đã loại bỏ “nhãn dán” thao túng tiền tệ đối với Việt Nam vào hồi tháng 4 vừa qua. Dù vậy, cũng theo đánh giá của đơn vị này, sự điều chỉnh sắp tới của Fed sẽ “đè” lên tiền đồng nhưng áp lực giảm giá tiền đồng vẫn ở mức hạn chế.
Trong báo cáo tháng 6 bình luận về chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu, Công ty chứng khoán Vietcombank cho rằng rủi ro bị đưa vào danh sách thao tùng tiền tệ hiện cần được theo dõi sát sao hơn, dù rằng NHNN có nhiều nguồn lực để ổn định tỷ giá khi dự trữ ngoại hối được xây dựng dần qua các năm, đi kèm với sự hiệu quả của chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn trong năm 2021.
(Theo KTSG Online)
Nhân dân tệ tăng mạnh và thuận lợi của tiền đồng
Tỷ giá Nhân dân tệ so với đô la Mỹ liên tục tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.