Theo số liệu từ ngành chức năng, Tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng đàn đến thời điểm này đạt hơn 17,5 triệu con, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên chủ động phòng bệnh cúm gia cầm H5N1, một loại dịch bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, được Chính phủ đưa vào chương trình phòng bệnh cấp quốc gia.

{keywords}
Trong mùa mưa bão, thời tiết không thuận lợi, dễ phát sinh dịch bệnh, tỉnh Tiền Giang khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa dịch cúm gia cầm bùng phát. Ảnh Thanh Hà

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, thời tiết không thuận lợi, dễ phát sinh dịch bệnh, các hộ chăn nuôi cần chú trọng hơn nữa công tác này.

Ngành chức năng cũng tuyên truyền, để phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 có hiệu quả, người chăn nuôi nên chọn mua con giống đã được ngành thú y kiểm dịch động vật.

Đối với gia cầm khai thác trứng, khi thả nuôi vào chuồng khoảng 15 ngày tuổi, cần tiến hành tiêm vắc-xin phòng cúm A H5N1 mũi đầu tiên, sau đó, cứ 06 tháng tiêm nhắc lại.

Đối với gia cầm thịt, chỉ cần tiêm một mũi lúc 15 ngày tuổi cho đến khi xuất bán. Riêng đối với vịt, cần tiêm vắc-xin cúm A H5N1 mũi thứ nhất lúc 15 ngày tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 28 ngày tuổi.

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi, trang trại… thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng gia cầm và môi trường chăn nuôi,  ứng dụng biện pháp xử lý phân gia cầm tươi bằng chế phẩm E.M – cách xử lý chất thải chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường.

Sau đó ủ phân trong thời gian từ 15 - 20 ngày để phân hoai mục hoàn toàn, nhằm giảm mùi hôi, hạn chế phát sinh mầm bệnh, mà còn tạo được nguồn phân hữu cơ truyền thống sử dụng rất tốt cho cây trồng.

Vấn đề tiêu độc khử trùng, vệ sinh nơi chăn thả, vệ sinh máng ăn uống… được đánh giá là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm cần tiêm vắc-xin phòng các bệnh thường gặp cho đàn vật nuôi, như: Cúm H9N2 gây giảm tỷ lệ đẻ trên gà đẻ trứng, bệnh cầu trùng, bệnh viêm khí quản truyền nhiễm…

Người chăn nuôi gia cầm tuyệt đối không được bán chạy, bán tháo hoặc sử dụng làm thực phẩm với các gia cầm bệnh, chết, nghi ngờ nhiễm bệnh cúm gia cầm H5N1.

Cúm gia cầm là bệnh có thể truyền từ gia cầm sang người và gây chết người. Khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để phối hợp xử lý, khống chế, ngăn chặn không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng. 

Thanh Hà