Theo các nhà khoa học, tiền giấy là nơi chứa hàng ngàn vi khuẩn gây bệnh nên người dùng cần rửa tay sau khi cầm tiền.
Theo Actualnews, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành phân tích hóa học các thành phần trên bề mặt của một số tờ đôla và đã phát hiện một loạt loại vi khuẩn độc hại trên loại tiền này.
Cụ thể họ đã thống kê được tới gần 3000 vi khuẩn và các phần tử lạ. Thậm chí có tờ 100USD còn chứa cả các đoạn ADN sừng của tê giác trắng và các gien hình thành sự kháng thuốc kháng sinh. Sau khi phân tích hóa học, các nhà khoa học khẳng định các khuyến nghị y tế về sự cần thiết phải rửa tay cẩn thận sau khi tiếp xúc với tiền giấy.
Tiền giấy chứa hàng ngàn vi khuẩn lây bệnh. Ảnh minh họa |
Jane Carlton, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng số lượng và thành phần các vi sinh vật được phát hiện khiến các nhà khoa học bị sốc. Các nhà khoa học đã xác nhận một thực tế rằng vi khuẩn sinh sôi nảy nở mạnh trên tiền.
Họ giải thích rằng sở dĩ như vậy là vì tiền giấy luôn chuyển từ tay người này sang tay người khác. Đồng thời, một điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn là tiền hay được cất vào túi nơi có nhiệt độ ẩm và ướt. Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý rằng các loại vật liệu in tiền cũng ảnh hưởng đến độ vệ sinh của đồng tiền - tiền giấy trên cơ sở sợi bằng bông có nhiều vi khuẩn nguy hiểm hơn so với tiền nhựa hoặc tiền polymer.
Trước đó, báo VnExpress cũng đưa tin, có ít nhất 2 loài vi khuẩn độc hại được tìm thấy trên những đồng tiền lưu hành ở các căn tin bán thức ăn tại Singapore. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua.
Từ tháng 7, các nhà nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm Singapore đã lấy mẫu tiền lưu hành ở một căn tin bán thức ăn để xét nghiệm. Cụ thể các loại tiền được thu thập gồm 10 tờ tiền giấy mệnh giá 2 đô Singapore, 5 đồng xu mệnh giá 1 đô, 5 đồng xu 10 cent.
Kết quả xét nghiệm ghi nhận sự có mặt của hai loài vi khuẩn là S.aureus và B.cereus trên cả các loại tiền giấy và tiền xu. Bộ Y tế Singapore cũng cảnh báo, S.aureus và B.cereus là vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất tại nước này hiện nay.
Theo Asiaone, thông thường vi khuẩn S.aureus được tìm thấy trên da, tóc, mũi và cổ họng người. Còn B.cereus sản sinh trong thức ăn thừa để lâu. Phó Giáo sư Paul Ananth Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Singapore cho rằng, không thể đánh đồng nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi khuẩn trên những đồng tiền ở căn tin gây ra. Song lời khuyên cho mọi người là nên rửa tay trước khi ăn bằng xà phòng diệt khuẩn sẽ loại bỏ được nhiều vi khuẩn độc hại, trong đó có cả S.aureus và B.cereus.
(Theo Viet Q)