Tiết kiệm nhiều, đầu tư ít

“Bẫy thu nhập trung bình không phải là định mệnh của Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có thể mở khóa để tiến lên thành nước có thu nhập cao”, đó là điều được ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “định hướng tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2011-2030.

Nhưng, ông Sebastian cũng đồng thời cảnh báo nếu không có sự đột phá thì tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam có thể giảm, chỉ xoay quanh 5,7%/năm mà thôi. Con số này rõ ràng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% mà Việt Nam đặt ra.

{keywords}
Dân vẫn thích để tiền trong két hơn là đem đầu tư.

Để bẫy thu nhập trung bình không trở thành “định mệnh”, thì chuyên gia WB cho rằng việc nỗ lực tăng năng suất sẽ giúp cho Việt Nam thực hiện được mong muốn của mình là thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể cởi trói tiềm năng, giống như điều kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đã thực hiện thì Việt Nam “mới duy trì được tăng trưởng nhanh”.

Dẫu vậy, chuyên gia WB đặc biệt nhấn mạnh đến việc nền kinh tế Việt Nam đang thiếu vốn, tích lũy vốn trong nền kinh tế, ở cả khu vực công và tư “vẫn thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi”. Trong khi đó, các khoản tiết kiệm trong nước lại ở mức khá cao. Điều đáng tiếc là Việt Nam lại không hấp thụ được khoản tiết kiệm trong nước, không phát huy được lượng tích lũy đó để nâng cao năng suất.

Do vậy, chuyên gia WB khuyến nghị không chỉ “cởi trói tầm vĩ mô mà cả vi mô”, làm sao tăng lượng vốn trong nền kinh tế cũng như khả năng hấp thụ để doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm cũng như lợi nhuận.

Sau phần trình bày của đại diện WB, ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ với vấn đề tiền tiết kiệm trong dân mà chuyên gia WB đề cập.

Với tỷ lệ tiết kiệm cao hơn đầu tư, ông Cao Viết Sinh cho rằng: Tiền trong dân có rất nhiều mà không sử dụng được. Cơ chế chính sách gì huy động tiền trong dân? Tiền trong dân rất nhiều, họ cất trong gầm giường, tủ két rất nhiều, không đưa ra ngân hàng mấy đâu, ngân hàng chưa huy động được”.

“Do người ta sợ rủi ro về chính sách hay người ta chưa thấy hấp dẫn về kênh đầu tư”, ông Cao Viết Sinh đặt câu hỏi cho đại diện WB.

Ông Cao Viết Sinh bày tỏ quan điểm “ít nhất phải duy trì tiết kiệm và đầu tư bằng nhau”. Nếu không đầu tư thấp thì tăng trưởng cũng sẽ thấp.

{keywords}
Không đầu tư thì không có tăng trưởng, nhưng đầu tư kém hiệu quả như dự án thép TISCO giai đoạn 2 này thì không ổn.

Mỗi năm thu nhập tăng 200 USD, thì bao giờ lên được 20.000 USD

Tăng năng suất là yếu tố quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nhưng nhìn sự tăng trưởng năng suất lao động trong 20 năm qua của Việt Nam, rồi nhìn đến tăng trưởng năng suất trong dài hạn, ông Sebastian thấy “rất đáng lo ngại”. Bởi tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam 20 năm qua đều thấp hơn so với thế giới, do đó hoàn toàn có tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao hơn nữa.

Theo ông Sebastian, năng suất tổng thể nền kinh tế được quyết định bởi năng suất lao động của các doanh nghiệp. Nhìn vào dữ liệu ở cấp độ DN, ông Sebastian thấy rõ sự cách biệt lớn về năng suất lao động giữa các DN. “Chênh lệch năng suất lao động giữa nhóm 10% cao nhất với nhóm 10% có năng suất lao động thấp nhất lên đến 100 lần”, chuyên gia kinh tế trưởng WB chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nếu năng suất lao động không cao thì chắc chắn không tăng trưởng nhanh, bền vững. Sức cạnh tranh ở cả 3 cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia đều thấp.

“Hoat động của DN hiện nay rất khó khăn. Chúng ta đều đánh giá cao vai trò khu vực tư nhân. Số DN thành lập mới của Việt Nam thêm hơn 100 nghìn/năm, nhưng số DN giải thể, tạm dừng hoạt động cũng lớn.DN hoạt động rất khó khăn, hiệu quả đóng thuế cho nhà nước rất thấp”, ông Dũng chia sẻ.

“Tại sao? Tại sao với sự năng động của nền kinh tế như thế, với nhiều nỗ lực, cải cách về thể chế - môi trường kinh doanh - hội nhập, bao nhiêu cơ hội mở ra như vậy nhưng thành lập DN và hoạt động của DN vẫn khó khăn”, Bộ trưởng KH-ĐT đặt câu hỏi. “Có phải do yếu tố về khả năng công nghệ không?”.

Ông Nguyễn Chí Dũng nói: "Tôi vẫn cho rằng nguyên nhân cốt lõi là nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của Việt Nam thấp, nên không tạo ra được công nghệ, không nắm giữ, không làm chủ công nghệ. DN thành lập ra làm cái gì? Nhiều địa phương, DN lập ra chủ yếu nhà thầu xây dựng, dịch vụ, bán hàng, mở quán ăn. Trong khi có bao nhiêu DN tham gia vào sản xuất?

“Nếu không có công nghệ thì sản xuất gì, bán cho ai? Sản phẩm sao cạnh tranh được, tham gia vào chuỗi cung ứng được”, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định không ứng dụng, không tiếp cận được công nghệ thì năng suất lao động của Việt Nam không thay đổi được, không tăng nhanh được.

“Chúng tôi cho rằng đây là điểm nghẽn lớn nhất mà ta ít nói đến, ngoài các vấn đề các chuyên gia đã nêu. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là vấn đề lớn, Việt Nam giải quyết được mới duy trì được  đà tăng trưởng nhanh, bền vững và chất lượng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bộc bạch.

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo lắng 20-30 năm nữa, làm sao để Việt Nam có thể thành nước phát triển. “Đó là khát vọng đấy, khát vọng đó có quá tầm không là vấn đề”, ông Sinh nói.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tiếp tục thua các nước, thua xa Singapore, Malaysia, Thái Lan, và giờ chỉ bằng Lào. Vậy làm thế nào Việt Nam đạt tăng trưởng 7-8%/năm? Nếu “lẹt đẹt” thì khoảng cách tụt hậu với các nước ngày càng xa hơn. Đó là điều chắc chắn.

“15 năm qua, chúng ta thấy các nước tăng thu nhập bình quân đầu người 3.000-4.000 USD, trong khi Việt Nam mỗi năm chỉ tăng được 150-200 USD. Nếu 15 năm thì thu nhập bình quân đầu người tăng được 1.000 USD, con số rất thấp, không thể nào vươn lên được nước có thu nhập bình quân đầu người 10.000-20.000 USD được”, đó là những thách thức mà ông Cao Viết Sinh đành gửi gắm đến các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới để có thể đưa ra được các khuyến nghị chính sách.

Lương Bằng