Ra đời trước khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi

Cuối năm 1944, khi cách mạng đang dần chín muồi trước ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân đang sục sôi chờ thời cơ đứng lên giành chính quyền, nhạc sĩ Văn Cao được gặp ông Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh phụ trách công tác văn hóa nghệ thuật. Ông Vũ Quý đề nghị nhạc sĩ thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hát cho quân đội.

Lúc đó, Văn Cao chưa biết đến Việt Bắc - chiến khu của cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa. Hình ảnh quen thuộc với ông là phố Ga, Hàng Bông, Bờ Hồ… và ông cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên. Ông đã trăn trở, kiếm tìm âm thanh, hình ảnh quen thuộc trong những buổi chiều rảo bước quang các con đường Hà Nội để tạo nguồn cảm hứng. Và tại căn gác của ngôi nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền trong những ngày mùa đông ảm đảm, đói rét, cực khổ, ông đã viết nên bài Tiến quân ca.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Ngày 17/8/1945, bài hát Tiến quân ca lần đầu tiên được vang lên giữa trời thu Hà Nội lộng gió. Ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại quảng trường Nhà hát lớn, dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong đã hát vang Tiến quân ca dưới lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới...

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên bố trước thế giới và quốc dân đồng bào bản Tuyên ngôn độc lập, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bài hát Tiến quân ca chính thức được cử hành trong buổi lễ thiêng liêng đó. 

Năm 1946, Quốc hội khóa I quyết định chọn Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca của nước Việt Nam mới. Trong Điều 3 của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã ghi rõ “Quốc ca là bài Tiến quân ca

Một bài Quốc ca không thể thay thế

Đối với công dân của bất kỳ quốc gia nào, khúc ca đầu tiên cần biết hát là Quốc ca - bài ca vĩ đại và thiêng liêng nhất của mỗi dân tộc. 

Năm 1981, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VI đã quyết định mở cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn gửi bài từ 19/5/1981 đến 19/12/1981. Ban vận động đã nhận được 1.420 bài  của 1.181 tác giả, trong đó có 173 nhạc sĩ chuyên nghiệp. Hội đồng giám khảo sơ tuyển vòng 1 được 74 bài của 74 tác giả. Ngày 1/7/1982, Ban vận động sáng tác đã tổ chức họp báo giới thiệu kết quả vòng 2, chọn được 17 bài đưa vào vòng 3. Cả 17 bài hát đó đều được dàn dựng và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được in thành một tập riêng để giới thiệu rộng rãi trên cả nước.

Tại Kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa VII ngày 20/12/1982, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, ông Cù Huy Cận - Phó Trưởng Ban vận động sáng tác Quốc ca mới, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã báo cáo kết quả việc trưng cầu ý kiến nhân dân về 17 bài được chọn qua vòng sơ tuyển, đề nghị các đại biểu Quốc hội chọn ra 5 bài xuất sắc nhất để kỳ họp sau của Quốc hội sẽ quyết định chọn 1 trong 5 bài làm Quốc ca mới của nước CHXHCN Việt Nam.

Trong kỳ họp sau đó, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thậm chí căng thẳng, nhiều ý kiến không đồng tình với việc thay đổi Quốc ca. Cuối cùng, Quốc hội đi đến một quyết định lịch sử là vẫn giữ nguyên bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao sau 32 năm ra đời và đồng hành cùng dân tộc, là bài Quốc ca cho đến tận ngày nay.

Học sinh không thuộc bài Quốc ca sẽ nhận điểm 0 môn Lịch sử

Ngành giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Lịch sử là môn học bắt buộc và dự kiến đó cũng là môn thi bắt buộc từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trong 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì phẩm chất đầu tiên là yêu nước. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, yêu nước là truyền thống của dân tộc ta, được xây dựng và bồi đắp suốt chiều dài lịch sử.

Với tôi, một giáo viên trải qua 30 năm giảng dạy môn Lịch sử thì khi dạy cho học sinh mới vào trường, trước khi muốn yêu nước phải biết những kiến thức sơ đẳng, thân thuộc và thiêng liêng về Quốc khánh, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc hiệu. 

Cứ đến mỗi ngày lễ kỷ niệm của đất nước, bài hát Tiến quân ca lại vang lên đầy hào sảng, thiêng liêng. Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, mạch đập của trái tim mỗi người dân Việt.

Quốc ca phải được hát lên bằng lời, vì mỗi khi hát lên thì từng câu, từng chữ như ngấm vào máu của mỗi công dân, tạo nên cảm xúc rất đặc biệt, làm bừng lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy ý thức trách nhiệm của hậu thế với các bậc tiền nhân, với Tổ quốc.

Vì vậy, trong những buổi học môn Lịch sử đầu tiên sau Lễ khai giảng, tôi thường dạy cho học trò của mình những kiến thức sơ đẳng, cơ bản về cội nguồn và ý nghĩa Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc khánh của Việt Nam. Riêng bài Quốc ca, em nào không thuộc tôi sẽ cho điểm 0.

Hôm nay, cả dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục xốc lại tinh thần và lực lượng cho một cuộc hành trình mới để xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng đan xen giữa cơ hội và thách thức. Đó là cuộc kiến tạo vĩ đại để xác lập một tầm vóc mới, vị thế mới của nước CHXHCN Việt Nam trong thế giới hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ca sĩ Tùng Dương thể hiện bài hát 'Tiến quân ca':

Trần Trung Hiếu