Luận văn của Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện Năng lượng (VN), đã được trao giải thưởng Sigvard Eklund, Thuỵ Điển năm 2011 vào ngày 05/10/2011.

TIN LIÊN QUAN

Điện hạt nhân VN: An toàn lên hàng đầu
Triển vọng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ
Nhật Bản và IAEA sẽ hỗ trợ VN làm điện hạt nhân

Giải thưởng Sigvard Eklund hàng năm của Thụy Điển dành cho các luận án tiến sĩ, Thạc sĩ và Cử nhân xuất sắc nhất (được bảo vệ trong vòng 2 năm trở lại) giữa các trường đại học của Thụy Điển liên quan đến công nghệ hạt nhân. Giải thưởng trị giá 50.000 cua-ron Thụy Điển, bắt đầu có từ năm 2004 lấy tên cố tiến sĩ Sigvard Eklund, người Thụy Điển, 21 năm là Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ 1961-1981.

Đề tài luận văn của TS Trần Chí Thành được chọn trao giải mang tên: "Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ". Hướng nghiên cứu của TS Thành phù hợp với thực tiễn nước ta đang trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận và nhiệm vụ công tác được giao hiện nay.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn TS. Thành do Ms. Sofia Nystrom (thuộc Trung tâm Công nghệ Hạt nhân Thụy Điển SKC) thực hiện và bản Nhận xét của Hội đồng Giải thưởng.

TS Trần Chí Thành
1. Bài phỏng vấn

- Hỏi: Anh cảm thấy thế nào khi đoạt giải thưởng?

Trả lời: Giải thưởng Sigvard Eklund đã đem đến cho tôi niềm vui và tự hào, cảm hứng trong công việc, đặc biệt là công việc nghiên cứu. Giải thưởng có một ý nghĩa rất quan trọng với tôi. Thứ nhất, giải thưởng là sự công nhận các nghiên cứu đã được thực hiện trong lĩnh vực an toàn điện hạt nhân, cụ thể là phân tích an toàn sự cố nghiêm trọng. Thứ hai, giải thưởng là sự cổ vũ đối với tôi trong các nhiệm vụ nghiên cứu hiện nay đang thực hiện.

TS. Trần Chí Thành là cán bộ nghiên cứu và Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện, Nhà máy điện hạt nhân và Môi trường, Viện Năng lượng. Anh quê ở Đức Lĩnh, Vũ Quang, Hà Tĩnh, là cựu học sinh chuyên toán Đại học Vinh, tốt nghiệp Đại học năng lượng Matxccơva.

Tiến sĩ Thành bảo vệ luận án "Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ" ngày 2/9/2009 tại Đại học Công nghệ Hoàng gia - một trong những trường đại học kỹ thuật lâu đời và lớn nhất Thụy Điển.

- Hỏi: Anh nghĩ luận án có thể đóng góp gì cho ngành năng lượng hạt nhân?

Trả lời: Luận án tiến sỹ trình bày công trình nghiên cứu liên quan đến phương pháp, phát triển, kiểm chứng và các mô hình ứng dụng cho phân tích sự cố nghiêm trọng. Các mô hình có khả năng mô phỏng quá trình truyền nhiệt trong đáy thùng áp lực lò nước sôi, cho phép dự đoán diễn biến sự cố nghiêm trọng trong lò và khả năng hỏng thùng lò sau đó. Quan trọng hơn cả, có thể sử dụng các mô hình này để đánh giá hiệu quả các biện pháp quản lý sự cố, ví dụ như cấp nước làm mát qua các ống thanh điều khiển. Đây là biện pháp rất tiềm năng để lấy nhiệt từ lò phản ứng và giảm thiểu các hậu quả cho nhà máy điện hạt nhân.

- Hỏi: Công việc hiện nay của anh là gì?

Trả lời: Hiện tôi là cán bộ nghiên cứu và Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện, Nhà máy điện hạt nhân và Môi trường, Viện Năng lượng. Nhiệm vụ hiện tại bao gồm công việc tư vấn và nghiên cứu. Công việc tư vấn chúng tôi đang thực hiện cùng với tư vấn Nga và Nhật Bản liên quan đến các dự án nghiên cứu khả thi cho nhà máy điện hạt nhân 1&2 ở Việt Nam. Công việc nghiên cứu trong nước trên một số khía cạnh liên quan đến công nghệ và an toàn lò hạt nhân của Nga và Nhật Bản. Đồng thời, tôi là cộng tác viên của khoa An toàn Điện Hạt nhân, Đại học Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển (KTH) trong nghiên cứu liên quan đến phân tích an toàn lò nước sôi của Thụy Điển.

- Hỏi: Kế hoạch cho sự nghiệp tương lai của anh là gì?

Trả lời: Bối cảnh hiện tại của Việt Nam không cho phép dự báo hay chờ đợi bất kỳ kế hoạch dài hạn nào trong ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, kế hoạch ngắn hạn (khoảng 2 năm) là tập trung vào nghiên cứu tính khả thi cho 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (công nghệ Nga và Nhật Bản). Bên cạnh đó, có thể tôi sẽ phụ trách một nhóm nghiên cứu thực hiện một đề tài nhà nước về phân tích an toàn các lò hạt nhân tiềm năng dự định xây dựng tại Việt Nam.

- Hỏi Tại sao anh lại chọn làm nghiên cứu sinh ở Thụy Điển?

Trả lời: Thụy Điển có một môi trường nghiên cứu rất tốt với nhiều trường đại học (và các viện) hàng đầu thế giới, đặc biệt trong nghiên cứu về an toàn hạt nhân. Tôi đã được cấp học bổng nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Hoàng gia (KTH), Thụy Điển.

- Hỏi: Anh có xem xét việc quay lại Thụy Điển không?

Trả lời: Rất nhiều khả năng.

- Hỏi: Anh nghĩ sao về tương lai điện hạt nhân của Thụy Điển và của thế giới nói chung?

Trả lời: Tôi nghĩ điện hạt nhân tại Thụy Điển và thế giới có tương lai tốt, mặc dù ảnh hưởng của sự cố Fukushima làm chậm lại đôi chút sự phục hưng của điện hạt nhân.

2. Nhận xét của Hội đồng xét Giải thưởng

"Luận án hết sức cần thiết này là kết quả của một nghiên cứu sâu về cơ chế truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng lò nước sôi áp lực. Sự cố điện hạt nhân ở Fukushima đã cho thấy tầm quan trọng và tính cần thiết của đề tài này.

Việc áp dụng các phương pháp khác nhau (phương pháp phân tích, CFD-ILES, ECM và PECM) vào các kịch bản sự cố thực tế cho thấy khả năng áp dụng của các phương pháp này. Quá trình kiểm chứng chỉ ra rằng các phương pháp này mô phỏng rất tốt các thông số vật lý quan trọng và có thể được sử dụng để dự báo chính xác các thông số quan trọng như tải nhiệt lên thùng áp lực lò phản ứng.

Tác giả đã chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về các hiện tượng vật lý phức tạp xảy ra trong các kịch bản sự cố, và có khả năng đánh giá tầm quan trọng của các quy trình khác nhau trong một bể nhiên vật liệu nóng chảy. Tác giả cũng đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu trong nhiều bài báo, làm thành một công trình nghiên cứu tốt".

PV