Thuế nhập khẩu xăng dầu ngày càng giảm mạnh, nhưng giá xăng dầu không hể rẻ tương ứng. Bởi, để bù đắp ngân sách không bị thâm thủng, những đề xuất tăng thuế nội địa, như thuế bảo vệ môi trường, đã được tính đến.
Thuế này giảm, tính tăng thuế khác
Những vấn đề phức tạp liên quan đến thị trường xăng dầu ngày 16/5 được đưa ra bàn luận tại hội thảo Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế, do Tạp chí Xăng dầu và Cuộc sống, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổ chức.
Phát biểu mở đầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, khẳng định: “Thị trường xăng dầu Việt Nam chịu áp lực bởi cam kết quốc tế và của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết”.
Sức ép tăng thuế nội địa để bù đắp thâm hụt ngân sách đè nặng |
Sức ép ấy được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cụ thể hóa trong những lời phát biểu. Đó là thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc về 10% từ năm 2016; còn nhập từ ASEAN vẫn ở mức 20%. Với mặt hàng dầu diesel, thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% từ 2016, còn thuế nhập từ Hàn Quốc là 5%.
“Phía DN, vì lợi ích của mình, sẽ nhập khẩu từ thị trường có lộ trình cắt giảm thuế nhanh nhất với thuế suất thấp nhất tại thời điểm nhập khẩu. Điều này hoàn toàn hợp pháp và chính đáng”, ông Tuyển đánh giá.
Việc DN “đổ xô” nhập khẩu xăng dầu từ những thị trường có mức thuế nhập thấp, ông Tuyển còn lo ngại “rất dễ bị các đối tác ép giá và không loại trừ các DN sẵn sàng trả giá cao hơn để được hưởng mức thuế thấp; người bán nước ngoài hưởng lợi và làm giá bán trong nước bị đẩy lên, người tiêu dùng bị thiệt”.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho rằng: Ngay năm 2018 cần xem xét tăng các sắc thuế nội địa với xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. |
Trước tình hình thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh, ông Phan Thế Ruệ cho rằng: Mấy năm nay, Hiệp hội liên tục kiến nghị phải điều chỉnh cơ cấu thu cho phù hợp với lộ trình giảm thuế. Năm 2016, xăng nhập từ ASEAN là 20%, còn nhập từ Hàn Quốc là 10% nên chúng ta phải điều chỉnh nguồn thu để bù đắp cho hụt thu ngân sách.
“Nguồn thu trong dịch vụ xăng dầu - chưa kể dầu khí - cực kì lớn, có thời kì chiếm 15% tổng thu nhập quốc dân, giờ ở mức 7-8%. Nếu không bảo vệ mức thu ngân sách này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách”, ông Ruệ lo ngại.
“Ngay năm 2018, cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa với xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách, bù đắp hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu; đồng thời hài hòa 3 lợi ích là lợi ích nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, lợi ích của DN”, đại diện Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị.
Theo ông Ruệ, thuế phí trên 1 lít xăng phải ở mức hơn 51-53% và khẳng định “đó là trách nhiệm của công dân” khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm.
Các chuyên gia cho rằng, cùng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cần có lộ trình tăng các khoản thuế nội địa khác liên quan. |
Tăng thuế môi trường có phải tối ưu?
Trước áp lực giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, ông Trương Đình Tuyển cho hay, để tăng thu ngân sách, nhà nước có thể tăng phí hoặc thuế nội địa như thuế bảo vệ môi trường.
Đây cũng chính là hướng mà Bộ Tài chính đang tính toán, đó là nâng khung thuế môi trường xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.
Song, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) góp ý: “Điều hành giá những sản phẩm đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu thì phải qua 3 vòng, không thể vòng 1 chặn ngay thì bất ổn”.
“Phải thu bền vững. Đầu vào thu ít thôi để vòng 2 là sản xuất phát triển. Khi sản xuất nhiều hơn thì giá thành rẻ hơn, sản phẩm có sức cạnh tranh hơn, giải quyết công ăn việc làm. Khi đó, vòng 3 ta mới thu, thế mới bền vững. Nuôi dưỡng nguồn thu chính là thế”, ông Thỏa nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển bổ sung rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ là giải pháp trước mắt. Về cơ bản, thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp giá xăng dầu giảm theo, kéo theo chi phí sản xuất, dịch vụ giảm, lợi nhuận DN tăng, góp phần tăng thu ngân sách đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Nhà nước có thể thu nhiều hơn từ sự gia tăng hoạt động của DN.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng lưu ý, cùng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cần có lộ trình tăng các khoản thuế nội địa khác liên quan.
Nhưng, điều quan trọng là làm thế nào để giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, của người tiêu dùng và của các đơn vị sản xuất kinh doanh xăng dầu. Nhà nước thu được nhiều thuế hơn nếu DN sản xuất ra cửa cải vật chất lớn hơn nhờ chi phí đầu vào rẻ, đó là yếu tố cần tính toán trước khi đặt vấn đề tăng thuế phí với xăng dầu - ông Thắng khuyến nghị.
Lương Bằng