Một trong những chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An là tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới vào cuối nhiệm kỳ phải giảm 50% so với đầu nhiệm kỳ. UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Cuối năm 2021, Long An còn 6.296 hộ nghèo, chiếm 1,31%, cận nghèo 11.570 hộ, chiếm 2,41%. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn 0,75%, tương đương 3.654 hộ (giảm hơn 22% tổng số hộ nghèo).

W-giam ngheo 3 (4).jpg
Tiến trình giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều mới của Long An về đích trước 1 năm.

Mới nhất, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết theo báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào tháng 11, hiện số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 2.743 hộ, chiếm tỷ lệ 0,57% tổng số hộ toàn tỉnh. So với cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm gần 25% (911 hộ). So với cuối năm 2021, Long An đã giảm 3.553 hộ nghèo (hơn 56,4% số hộ nghèo năm 2021), vượt mục tiêu đặt ra của UBND tỉnh trước thời hạn 1 năm.

Là địa phương không có huyện nghèo, Long An thực hiện 6 trên 7 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (trừ dự án 5 - hỗ trợ nhà ở).

Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với các ban ngành, địa phương để triển khai các dự án, lồng ghép vào các chính sách khác để hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nguồn vốn làm ăn. Cùng với đó, ngành đẩy mạnh đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm; chú trọng mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Long An tuyển sinh, đào tạo trên 93.000 lao động trong gần 4 năm qua. Điều này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ hơn 72% (năm 2021) lên trên 75% (năm 2024). Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ nâng từ hơn 31% lên 35% vào năm 2024.

Bên cạnh đó, xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các địa phương đã có những cách làm hay, thiết thực chung tay thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Các cấp Hội LHPN tại Long An tiếp cận giúp đỡ 100% hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, các cấp Hội hỗ trợ 1.292/1.250 (đạt 103,36%) hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trung bình hàng năm, Hội hỗ trợ 646/300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra. Các hình thức được triển khai như: Hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ các phương tiện sinh kế, tặng quà, xây nhà tình thương; các mô hình: Người có giúp người khó, Tiết kiệm giúp nhau,... Ngoài ra, tăng cường việc hỗ trợ phụ nữ được hiện thực hóa các ý tưởng, dự án để họ khởi nghiệp.

Trong khi đó, báo cáo từ Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tăng hơn 5,4 tỉ đồng (đạt 70% so với chỉ tiêu Trung ương giao); nâng lũy kế nguồn vốn Hội các cấp đến nay trên 82 tỉ đồng. Quỹ trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình cho vay ưu đãi tới hội viên. 13 chương trình vay được triển khai, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên… 

Để nâng cao hiệu quả các dự án vay vốn, Hội Nông dân tỉnh Long An đã tập trung đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh của từng vùng, địa phương. Các mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng trạm bơm điện, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thực hiện tại huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh; xây dựng được nhà màng, hệ thống tưới tự động cho mô hình trồng rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao triển khai ở các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An; dự án nuôi bò sinh sản được thực hiện ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ...

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Long An cho biết tới đây tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập trung đầu tư và kết nối địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và việc làm).

Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong các doanh nghiệp.