Sau những chuyến đi biền biệt của phu trầm, tiền được gửi về xây nhà, tậu xe.

TIN BÀI KHÁC
Từ những biệt thự tiền tỷ…

Dọc hai bên đường liên xã qua xóm 4, thôn Trúc Lý có rất nhiều căn nhà biệt thự trị giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, đó là những người giàu lên nhờ đi trầm. Trưởng thôn Lê Quang Hiếu nói: “Cái làng này ruộng đất chật hẹp, không nghề nghiệp nên chỉ nhờ có đi trầm mới khá giả được”.

Những ngôi nhà tiền tỷ xây nên nhờ tiền lấy từ trầm

Vào đợt Tết Canh Dần, những người xuất ngoại qua Malaysia tìm trầm đầu tiên của làng Trúc Ly trở về quê, làng xóm bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Người dân đua nhau mua xe, sắm đồ đạc hàng hiệu lên đến hàng chục triệu đồng. Thanh niên tụ họp, ăn uống cả tháng ròng rồi tiếp tục làm hộ chiếu xuất ngoại theo trầm.

Người đi trầm Trúc Ly bảo rằng, trầm là những gì tinh túy nhất của trời đất, trời cho ai nấy hưởng, trúng thì giàu nhưng không trúng thì tay trắng và rơi vào cảnh nợ nần.

May mắn trúng trầm thì phu phất lên trông thấy. Họ gửi tiền liên tục về nhà. Nhưng cũng có người vì không gặp trầm thì nợ nần chồng chất. Vậy nên, nhiều phu trầm chấp nhận 'thế thân" để chạy làng bằng cách đi tù. Sau khi giam 3 tháng thì họ thả về nước, coi như trả hết nợ. Riêng một số nước, tội này bị phạt nặng hơn.

…đến phu trầm bỏ mạng xứ người


Chuyện phu trầm Trúc Ly bỏ mạng ở núi rừng không hiếm, từ rừng Việt Nam đến các cánh rừng nguyên sinh ở Malaysia…

Nhắc đến chuyện anh Mai Văn M, sống cách làng Trúc Ly chứng 500m bị thú dữ ăn thịt ai cũng rợn người. Người dân địa phương kể lại, cách đây khoảng 1 năm, anh M đang đốn hạ cây trầm thì bất ngờ bị con hổ từ xa lao tới vồ chết ngay tại chỗ. Nhóm đi cùng anh M cũng chỉ biết thoát thân… để mặc anh bị thú dữ ăn thịt.

Dân Trúc Ly vẫn thường nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Đó là phận phu trầm làng Trúc Ly. Họ tha hương, chấp nhận cảnh làm “người rừng” để nuôi mộng đổi đời.

Gần 30 năm xuất hiện cơn lốc trầm ở Trúc Ly, không biết bao nhiêu người con vùng này bị chết khi tìm trầm ở Lào, Trung Quốc, Malaysia… Rất ít trường hợp được mang hài cốt về nhà, phần vì thú dữ ăn thịt, phần vì không qua cửa biên giới.

Anh Trường - một phu trầm thoát chết kể lại cái chết của người cậu ruột

Người làng Trúc Ly vẫn nhắc đến cái chết của Phạm Văn Sâm (42 tuổi). Chúng tôi đã đến thăm chị Lê Thị Tý (vợ nạn nhân) khi trời đang đứng nắng. Trong căn nhà cũ, ba mẹ con chị vẫn chưa nguôi đau đớn vì sự ra đi của người chồng, người cha – trụ cột của gia đình.

Anh Sâm trước đây cũng là dân trầm. Sau mấy lần lên rừng, anh dành dụm được mấy triệu về mua đủ chiếc xe máy nên “giải nghệ” ở nhà đi làm thợ xây.

Rồi máu trầm kỳ lại thúc giục anh khi người làng Trúc Ly liên tiếp trúng đậm. Những căn nhà bạc tỷ cất lên, xe máy, ô tô chạy kín đường khiến anh lại muốn đi tìm trầm.

Anh bàn với vợ đi vài chuyến về sửa nhà cho con khỏi bị mưa gió. Thế là, anh rủ thêm đứa cháu, một người chú họ làm hộ chiếu xuất ngoại tìm trầm.
Nhà nghèo, vợ anh Sâm phải vay mượn 5 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm và tiền vé cho anh bắt xe qua Malaysia. Hai tháng sau, anh trúng trầm được 10 triệu, dành 5 triệu trả cho chủ trầm tiền ứng trước, số còn lại anh gửi về cho vợ con.

Ngày định mệnh đến, trong khi đốn cây tìm trầm thì anh bị thanh cây dài 2m, rơi từ độ cao 15m trúng vào đầu và chết ngay tại chỗ khi ôm chầm đứa cháu vào lòng để che chắn cho cháu.

Không ít đàn ông Trúc Ly bỏ mạng vì trầm, để lại vợ con bơ vơ

Anh Trường (cháu anh Sâm) cõng xác cậu trên lưng theo người chú ruột của mình băng rừng về lán khi trời đã tối. Biết không thể mang xác cậu về nước, Trường và người chú ruột đành ngậm ngùi vơ củi hỏa táng xác cậu lấy tro đưa về nước.

“Sáng hôm sau chúng tôi băng rừng ra đồng bằng với túi ni lông đựng tro cốt cậu. Nhờ chủ trầm đón xe nhưng phải mất 10 ngày sau tôi mới mang được tro cốt cậu về tới quê”, anh Trường rơi nước mắt kể lại.

Dẫu cái chết rình rập từng bước chân, nhưng người dân Trúc Ly vẫn đổ xô sang Malaysia tìm trầm. Trong làng, những đứa trẻ nghỉ học sớm, theo cha theo chú đi tìm trầm.

Với họ, tìm trầm được xem nhưng một nghề truyền thống hái ra tiền dẫu đánh đổi cả máu và nước mắt. Họ bảo, nếu người dân Trúc Ly không theo nghiệp trầm thì biết làm gì khi ruộng đất mỗi nhà chưa đến 2 sào…
“Vì cái nghiệp của làng nên dù có người chết thì những người khác cũng phải đi với hy vọng đổi đời. Sống ở làng ruộng đất không có, nghề nghiệp không thì không đi sao được”, trưởng thôn Trúc Ly thở dài nói.

(Theo VTC News)