Tất cả những loài chim sống ở đồng bằng đều có mặt nơi này. Người Hà Nội có thú chơi chim cảnh lâu đời. Người ta đã thuần hóa được hầu hết những con chim có bộ mã đẹp, có giọng hót hay bổ sung vào bộ chim cảnh phố phường.

Những ngày giãn cách, thứ làm ta được an ủi nhiều nhất chính là tiếng chim trong thành phố. Lẽ dĩ nhiên ngày thường thì cũng vẫn ngần ấy tiếng chim mà thôi. Bầy chim sẻ róc rách gọi bạn trong các tàng cây từ lúc mờ đất dưới ánh đèn tù mù phố vắng. Con chim khuyên hót sổng trên ngọn cây muồng vàng cao tít xa xăm. Đất trời cứ rộng mãi ra khi nghe tiếng con chim xa đáp lại. Con gọi vịt trong lùm cây tối bên hồ cất tiếng đều đều âm vang mặt nước. Giọng hót cao vút khoan thai chuyển dần sang dồn dập thoảng tan vào thinh không êm đềm. Con chích chòe than non ưỡn ngực tập những câu hót sổng đầu tiên ngọng nghịu trên ngọn cành khô. Tiếng cu gáy bồi hồi thủ thỉ như xa như gần trong những tàng cây vườn bách thảo…

{keywords}
Ảnhh: Phạm Hải

Tất cả bị khỏa lấp đi trong tiếng động cơ, tiếng còi xe vào giờ tầm buổi sáng. Chim trời vẫn hót đấy nhưng ít ai nghe thấy. Giờ là lúc lũ chim cảnh các nhà mặt phố treo lồng ra ngoài ban công lên tiếng. Người già sống trong ngõ sâu điềm tĩnh ngồi lắng nghe có thể thuộc lòng. Tiếng con họa mi chói gắt sung sức từng hồi dài là của nhà ai trên phố. Tiếng con chích chòe lửa láu táu giập giạp là của nhà ai? Tiếng con khướu bạc má trầm hùng đĩnh đạc là của nhà ai? Tiếng bầy chim yến trơn tru liến thoắng liền mạch là của nhà ai? Buổi trưa là dàn đồng ca của những chú chim sơn ca dạn dĩ. Tất cả vang lên đúng giờ và thời lượng đúng như nhịp sống phố phường.

Hà Nội, ngạc nhiên thay lại là nơi có thể nghe được tiếng nhiều loài chim nhất. Hơn cả ở vùng rừng núi. Hay nói một cách khác là rừng núi có con chim gì hay thì chúng đều có mặt ở Hà Nội. Để thuần hóa được một con chim rừng ở phố là việc khó. Phải là những nghệ nhân lâu năm mới có thể làm được.

Đầu tiên là cách chế biến thức ăn cho chúng. Đành rằng bây giờ thì chợ chim cảnh nào cũng bán thức ăn sẵn cho chim. Nhưng cái phần thêm thắt vào trong khẩu phần của chúng đôi khi lại là cả một bí quyết nhà nghề. Chim lúc nào thì cần mồi tươi tự nhiên, lúc nào thì hạn chế bồi dưỡng không phải người chơi nào cũng biết được. Con chim đang thay lông cho ăn nhiều sâu tươi quá sẽ làm bộ lông xoăn tít, xấu mã. Con chim khuyên cần hoa quả tươi. Con chim gáy cần bột khoáng chất tổ mối. Con chim cắt, con đại bàng tưởng khó khăn mà lại dễ bất ngờ. Cả ngày chỉ cần một miếng thịt sống là no bụng. Tất cả được nghiên cứu kĩ càng từ cuộc sống thực của chim ngoài thiên nhiên hoang dã.

{keywords}
Chợ Long Biên những ngày chống Covidd-19. Ảnh: Phạm Hải

Thành phố không phải lần đầu tiên giãn cách trong vòng hai năm qua. Thế nhưng vẫn có vài người chơi chim không để ý đến việc tích trữ lương thực cho chúng. Chuyện tưởng nhỏ mà không phải thế. Với con người thì có muôn vàn cách nấu nướng ở nhà cho bữa ăn giãn cách của mình. Cả những món ăn cho vui và những món nhằm no bụng. Tất cả đều đã dược dự trù kĩ lưỡng ngay từ ngày chưa giãn cách. Những chiếc tủ lạnh lớn chất đầy đồ ăn dự trữ trong các gia đình đảm bảo cuộc sống cả tuần lễ không cần ra đến chợ.

Thức ăn cho chim nếu là ngày thường thì quá đơn giản. Phóng xe lên một chợ chim bất kì đều có thể mua đủ loại cám cho khoảng hai mươi loài chim cảnh. Nhưng ngày giãn cách, tất cả các chợ chim cảnh đều đồng loạt đóng cửa. Vả lại dù có mở thì chính người chơi chim cũng không thể ra đường.

Người chơi lớn tuổi có vài chục năm kinh nghiệm thì không cảm thấy lo lắng lắm. Người mới tập chơi mới thật sự sốt ruột. Điện thoại nhắn tin cho bạn chim qua lại cả giờ đồng hồ hỏi cách chế biến mồi cho từng loại chim. Những là gạo rang, đậu xanh đồ chín, lạc rang và trứng gà…Trong nhà còn gói cám gà dùng để nuôi sâu cho chim hàng ngày cũng lấy ra chế biến lại thành cám cho họa mi, chích chòe, và vành khuyên ăn tạm.  Có thể thay sâu tươi , dế sống bằng chút thịt băm gia đình rán chả lá lốt. Cũng chỉ là cầm cự ngắn ngày mà thôi. Nếu kéo dài quá ba tuần lũ chim sẽ suy yếu. Tất nhiên phương án lúc ấy là buộc phải thả chúng về trời cho tự đi kiếm ăn. Những con khướu, con mi nuôi lâu ngày trong lồng nhiều khi thả ra đến tối chúng vẫn quay về lồng tìm chỗ ngủ. Con cu gáy thì không bao giờ quay lại dù đã nuôi ở nhà hàng chục năm trời.

Thế nhưng đặc tính chung của lũ cu gáy là khi ăn hay vẩy hạt rơi xuống đáy lồng. Dịp cách li nếu như hết thóc hết kê ta vẫn có thể giữ chúng trong lồng thêm ít lâu nữa. Chúng sẽ cặm cụi nhặt từng hạt kê rơi dưới đáy lồng mà sống thêm được vài tuần lễ nữa. Chỉ cần cho đủ nước uống là an toàn.

Tất nhiên thiếu mồi, lũ chim thưa tiếng hót hẳn đi. Chẳng sao cả. Thực ra ngày thường chim căng lửa cũng chẳng ai ngồi nhà suốt ngày mà nghe chúng hót. Giờ ngồi cả ngày ở nhà lâu lâu vẫn nghe tiếng chim cũng chẳng cảm thấy thiếu hụt chút nào. Tiếng chim hót đã vài lần giúp dân phố vượt qua những ngày giãn cách cực kì gian nan. Và kể cả những năm tháng đạn bom khốc liệt của cuộc chiến tranh từ nửa thế kỉ trước.

Đỗ Phấn

Mở tiệc online

Mở tiệc online

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm đảo lộn thế giới về sức khỏe, sinh mạng con người về vật chất, kinh tế mà còn làm tinh thần con người chung chiêng ở nhiều lĩnh vực.