Trong những năm qua, UBND tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, giảm thời gian xử lý văn bản trên môi trường điện tử.

Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, thời gian vừa qua cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiệm vụ này đã và đang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

W-Tayninh.png
Ảnh minh hoạ

Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước ra mắt Mini app Tây Ninh Smart trên Zalo (đầu năm ngoái) để phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, đăng ký cửa hàng 4.0, thanh toán học phí, xem truyền hình, radio trực tuyến, cập nhật tin tức từ chính quyền địa phương…). 

Đến nay, tỉnh đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đối với Trục liên thông văn bản của tỉnh, tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dạng dịch vụ công trực tuyến do tỉnh công bố là 1.622 thủ tục, đạt khoảng 98% (đã tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia khoảng 73%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 324/1.622 thủ tục, đạt tỷ lệ 19,97%, trong đó, 83,02% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trung bình cả nước đạt 55,5%); 98% các cơ quan đã gửi, nhận văn bản điện tử, 100% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân. Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã tích hợp 7 phân hệ giám sát chính, hỗ trợ tích cực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Việc tổ chức hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn chiếm tỷ lệ cao. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh tiếp nhận trên 1,4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết xong, trả kết quả đúng hạn chiếm 97,46%; tỷ lệ hài lòng của tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính đạt khá cao, năm 2022 là 96,28%; năm 2023 đạt 88,87%.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc xây dựng, triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo các cấp, thực thi công vụ.

Tỉnh Tây Ninh đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 (đang thực hiện) là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, số lượng thủ tục hành chính được đưa lên trực tuyến tăng nhanh (bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến một phần và trực tuyến toàn trình).

Để bước vào giai đoạn 3 - giai đoạn dịch vụ công trực tuyến phát triển theo chiều sâu, cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tái cấu trúc quy trình thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực số (nhân lực khu vực công và người dân, doanh nghiệp)…