Trong hơn 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Australia đã đạt được nhiều thành tựu lớn với các dấu mốc quan trọng như thiết lập Đối tác Toàn diện năm 2009, Đối tác Chiến lược năm 2018 và nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (tháng 3/2024) nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Điều này khẳng định tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau ngày càng được củng cố, đặc biệt là thông qua việc duy trì trao đổi đoàn thường xuyên và tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh, trong đó có kênh Nghị viện.

Hai nước duy trì hiệu quả trên 20 cơ chế hợp tác song phương với nhiều kết quả tích cực. Hợp tác kinh tế-thương mại được duy trì ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD. Hai nước hiện đang là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

W-vietuc.png

Nhằm cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia vừa thiết lập, trong buổi hội đàm với bà Sue Lines- Chủ tịch Thượng viện Australia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh; tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc và các cơ chế cấp cao nhằm củng cố tin cậy chiến lược trong khuôn khổ quan hệ mới; tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiện có và mới được thiết lập với sự đổi mới về hình thức tổ chức, nội dung đồng thời triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận đã có giữa hai nước, phối hợp xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia giai đoạn 2024-2028; chú trọng đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác thiết thực giữa các địa phương và hội đoàn hữu nghị hai nước.

Về kinh tế-thương mại-đầu tư, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia; đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Australia (EEES), hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại đạt mức 20 tỷ USD và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều trong thời gian tới; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu của hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Australia sớm xem xét tích cực, đẩy nhanh quy trình mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam; mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và Australia có thế mạnh như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khai khoáng, cơ sở hạ tầng, viễn thông, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục duy trì và tăng nguồn vốn ODA cho Việt Nam vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, quản lý công, xây dựng chính sách công và tài chính vĩ mô.

Đánh giá Việt Nam đang phát triển kinh tế rất năng động, Chủ tịch Thượng viện Australia đề nghị hai nước tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2024-2025 là 95,7 triệu đôla Australia, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; mong muốn Việt Nam tiếp tục có những bước tiến để đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án ODA trong thời gian tới.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ mong muốn phía Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc; phối hợp triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hành động thiết thực ứng phó biến đổi khí hậu (11/2021).

Việt Nam mong muốn Australia hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên, Trung và Nam Bộ; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống và chính sách tài chính hỗ trợ thành lập thị trường carbon, chuyển đổi năng lượng công bằng, năng lượng xanh, bảo vệ môi trường...