Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đề xuất cho phép xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe gia đình) được tự động giãn chu kỳ đăng kiểm là giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc hiện nay.

Hiện Cục đang xây dựng phương án tra cứu trực tuyến phương tiện và nhận giấy xác nhận điện tử giãn chu kỳ đăng kiểm. Theo đó, chủ xe sẽ không phải đưa phương tiện đi kiểm định lại, không cần làm hồ sơ mà có thể nhận giấy xác nhận giãn chu kỳ đăng kiểm điện tử.  

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc đăng kiểm (Ảnh minh hoạ: N. Huyền) 

Cụ thể, chủ phương tiện vào địa chỉ web hoặc app đăng kiểm để tra cứu thông tin trực tuyến; kê khai đúng biển số xe, số giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, số khung, số máy...

Sau khi điền đầy đủ thông tin, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp "Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định" ghi nhận thời gian đã gia hạn của phương tiện.

Chủ xe cần tải giấy này, in ra và mang cùng với "Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" được cấp trước đó khi tham gia giao thông.

Các giấy chứng nhận đều có mã QR-Code, cảnh sát giao thông có thể quét mã để xác thực thông tin phương tiện trên trang thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cần ứng dụng chuyên dụng để quét mã QR

Hoàn toàn ủng hộ phương án in giấy xác nhận điện tử mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất, ông Trần Văn Hoan, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29.03V (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng “xác nhận điện tử là cách hợp lý nhất”.

Bởi nếu chủ phương tiện vẫn phải đến trung tâm đăng kiểm dù không phải mang xe theo để in lại giấy chứng nhận, cấp tem lại giống như thủ tục miễn đăng kiểm với xe mới thì “chúng tôi không thể làm nổi”.

“Lúc đó, bộ phận văn phòng không chỉ làm hồ sơ cho những xe vào kiểm định mà còn phải làm thủ tục cho cả nhóm xe tự động giãn chu kỳ.

Với khối lượng xe lớn như thế - ước tính cả nước 3,1 triệu xe thuộc nhóm này thì có thể ở ngoài dây chuyền vắng xe nhưng lại quá tải, tắc ở bộ phận văn phòng.

Như thế người dân, doanh nghiệp lại vẫn chịu cảnh chờ đợi. Ùn tắc vẫn lại diễn ra. Do đó, tôi nghĩ không thể thực hiện phương án này”, ông Hoan nói.

Mẫu Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định được Cục Đăng kiểm Việt Nam dự kiến phát hành (Ảnh: N. Huyền) 

Theo ông Hoan, việc cấp giấy xác nhận điện tử ngoài nhanh gọn, thuận tiện còn tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

“Nếu in lại tem thì chủ phương tiện phải đóng phí in, lệ phí ấn chỉ một khoản nhất định. Chẳng hạn đối với xe mới, dù miễn đăng kiểm nhưng chủ phương tiện vẫn phải nộp 90.000 đồng tiền lệ phí tem, ấn chỉ vào ngân sách nhà nước.

Nếu không phải làm những thủ tục này thì người dân vừa không phải đi lại, đỡ tốn chi phí, đặc biệt lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát cũng khá dễ dàng. Đây là phương án tối ưu mà không có phương án khác khả dĩ hơn”, ông Hoan nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Bá Mạnh - CEO & Founder Công ty Công Nghệ AN VUI cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho việc gia hạn chu kỳ đăng kiểm là một xu thế và chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, với tư cách là người có nhiều năm viết các phần mềm liên quan đến lĩnh vực giao thông, ông Mạnh lưu ý một số nội dung.

Thứ nhất, đối với hệ thống phần mềm, cơ quan chức năng (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT- PV) cần nghiên cứu việc tích hợp đối chiếu liên thông dữ liệu với các nền tảng khác của Bộ GTVT để nhằm kiểm soát và hạn chế sai sót, tiết kiệm việc nhập liệu cho người dùng.

“Đối với người dân khi khai báo cần có bổ sung các thông tin liên lạc và có sử dụng một hình thức ký số thuận tiện để đảm bảo tính chịu trách nhiệm và xác thực”, ông Mạnh lưu ý.

Đặc biệt đối với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, cần có ứng dụng chuyên dụng để quét và kiểm tra nhằm đảm bảo chính xác, đề phòng tình huống chứng từ điện tử giả mạo.

“Mã QR cũng có thể làm giả được. Vì khi quét mã QR nếu là một link chứng nhận điện tử thì việc tạo một link tương tự cũng không quá khó khăn. Điều này khiến cho lực lượng chức năng rất khó phân biệt.

Thời điểm dịch bùng phát, tôi từng làm QR luồng xanh hỗ trợ Sở GTVT các địa phương đã gặp tình trạng này. Do đó, theo tôi nên áp dụng nguyên tắc dùng công nghệ để kiểm tra công nghệ, còn nếu dùng mắt thường kiểm tra công nghệ sẽ khó tránh khỏi sai sót”, ông Mạnh khuyến cáo.