Các tiết lộ mới về các thí nghiệm y học hồi thập niên 1940 vừa được đưa ra ánh sáng, trong đó có chủ ý cho nhiều người phơi nhiễm các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

TIN BÀI MỚI:



Các thí nghiệm ở Guantemala tương tự nghiên cứu cùng thời điểm với các tù nhân được lây nhiễm sốt rét. (Ảnh: AP)


Các chi tiết mới gây sốc về các thí nghiệm y khoa của Mỹ được thực hiện ở Guantemala trong những năm 1940, trong đó có một quyết định tái nhiễm cho một phụ nữ sắp chết trong một nghiên cứu về bệnh giang mai, vừa được một ủy ban của Tổng thống Mỹ công bố. 

Các thử nghiệm ở Guantemala vốn đã được xem là một trong những chương đen tối của lịch sử nghiên cứu y khoa Mỹ. Tuy nhiên, các thành viên trong Ủy ban nói rằng, thông tin mới cho thấy các nhà nghiên cứu trái luân thường đạo lý một cách khác thường, ngay cả khi đã được đặt trong bối cảnh lịch sử của một thời đại khác biệt. 

"Các nhà nghiên cứu đã đặt tiến bộ y học của chính họ lên hàng đầu và đặt các yêu cầu đúng đắn của con người xuống hàng thứ yếu", Anita Allen, một thành viên trong Ủy ban của Tổng thống về Nghiên cứu các vấn đề sinh học đạo đức, nhận xét. 

Từ năm 1946-48, Cơ quan Y tế Công Mỹ và Cục Vệ sinh Pan American đã hợp tác với các cơ quan chính phủ Guantemala về nghiên cứu được chính phủ Mỹ chi trả, có liên quan tới việc cố ý phơi nhiễm các căn bệnh lây nhiễm tình dục cho nhiều người. 

Các nhà nghiên cứu dường như cố gắng tìm hiểu liệu penicillin, lúc đó còn tương đối mới, có thể ngăn chặn được sự lây nhiễm trong 1.300 người phơi nhiễm bệnh giang mai, lậu hoặc hạ cam, hay không. Những người nhiễm bệnh bao gồm bính lính, gái điếm, tù nhân và các bệnh nhân tâm thần bị giang mai. 

Ủy ban trên tiết lộ hôm 29/8 rằng chỉ khoảng 700 trong số những người nhiễm bệnh nhận được một loại điều trị nào đó. 83 người tử vong, mặc dù chưa rõ những cái chết này có trực tiếp do thí nghiệm hay không.  

Theo một số chuyên gia, nghiên cứu trên không đưa ra thông tin y học hữu ích nào. Nó bị giấu nhẹm trong nhiều thập niên nhưng được đưa ra ánh sáng vào năm ngoái, sau khi một sử gia y khoa thuộc trường Wellesley College phát hiện các dữ liệu trong số giấy tờ của bác sĩ John Cutler, người đứng đầu các thí nghiệm gây sốc này.

Tổng thống Barack Obama đã gọi cho người đồng nhiệm Guantemala Alvaro Colom để xin lỗi. Ông cũng ra lệnh cho Ủy ban sinh học đạo đức phải xem xét lại các thí nghiệm Guantemala.

Công việc đó đến nay đã gần hoàn thành. Mặc dù báo cáo cuối cùng sẽ không thể được đưa ra vào tháng tới song các thành viên của ủy ban đã bàn bạc một số kết luận tại một cuộc họp hôm 29/8 ở Washington. 

Họ tiết lộ rằng, một số thí nghiệm còn gây sốc hơn so với những gì được biết tới trước đó.

Chẳng hạn, 7 phụ nữ động kinh bị tiêm khuẩn giang mai vào dưới gáy, một biện pháp đầy rủi ro. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng sự lây nhiễm mới, bằng cách nào đó, có thể giúp chữa chứng động kinh. Mỗi phụ nữ trong số trên bị viêm màng não do khuẩn, có thể là kết quả của các liều tiêm nhưng, đã được chữa trị. 

Có lẽ, các chi tiết ngạc nhiên nhất liên quan tới một phụ nữ bị giang mai với một chứng bệnh không được tiết lộ ở giai đoạn cuối. Các nhà nghiên cứu, tò mò muốn biết tác động của một liều tiêm bổ sung, đã cho cô nhiễm lậu ở mắt và một số nơi khác. Sáu tháng sau, bệnh nhân này chết. 
 
Các thành viên của Ủy ban kết luận rằng nghiên cứu ở Guantemala thật tồi tệ, kể cả tính theo các tiêu chuẩn về thời gian. Họ so sánh công trình này với một thí nghiệm năm 1943 của Cutler và những người khác, trong đó các tù nhân bị cho nhiễm bệnh lậu ở Indiana. Các tù nhân này là những người tự nguyện, họ được thông báo những gì liên quan trong nghiên cứu và đồng ý. Những người tham gia ở Guantemala thì không nhận được lời giải thích nào và cũng không nhất trí, Ủy ban này cho biết. 

Chính phủ Guantemala tuyên bố sẽ tiến hành cuộc điều tra riêng về nghiên cứu Cutler. Một phát ngôn viên của Phó Tổng thống Rafael Espada nói rằng báo cáo sẽ được hoàn thành vào tháng 11. 

Thanh Hảo (Theo Guardian)