Tiểu ra máu mới biết bị ung thư

Bệnh nhân là một người đàn ông 64 tuổi, phát hiện ung thư thận khi đến khám ở Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Người bệnh cho biết bị đi tiểu ra máu đỏ tươi và máu cục trong 3 tuần.

Qua thăm khám và kết quả chẩn đoán hình ảnh, ghi nhận khối u có kích thước 6,8x4,9cm đã xâm lấn mô mỡ xung quanh. Chồi bướu ăn lan vào tĩnh mạch chủ, tiến sát tâm nhĩ phải.

Các bác sĩ nhận định phẫu thuật là cách duy nhất để cứu tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, ông mang theo bệnh nền như xơ vữa và hẹp mạch vành, nguy cơ nhồi máu cơ tim trong và sau phẫu thuật khoảng 80%, nguy cơ tử vong lên đến 90%.

Hội đồng khoa học của Bệnh viện Bình Dân được triệu tập và lên kế hoạch chi tiết cho cuộc mổ. Ca phẫu thuật hơn 6 giờ đã lấy chồi bướu dài hơn 10cm từ nhĩ xuống thận trái, cắt thận trái, khâu tĩnh mạch chủ, kiểm soát hàng loạt nguy cơ có thể xảy ra trên bàn mổ. Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân được xuất viện.

BV BINH DAN.jpg
Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Ảnh: GL.

Trước đó, ông M.V.T. (73 tuổi) phát hiện bị ung thư thận, chồi bướu đi vào 1 phần tĩnh mạch chủ. Ông T. tìm đến các bài thuốc dân gian nhưng không hiệu quả. Hai tuần sau, ông quay lại Bệnh viện Bình Dân nhưng khối bướu đã bít kín lòng tĩnh mạch chủ bụng và lấn sang một phần tĩnh mạch thận trái, dính vào tá tràng.

Ê-kíp điều trị nhận định bệnh diễn tiến quá nhanh, chồi bướu sẽ theo đường tĩnh mạch chạy lên tim gây tử vong nếu không can thiệp gấp. Ca phẫu thuật nhanh chóng được tiến hành, kéo dài 5 giờ với sự hỗ trợ của robot.

Các bác sĩ đã bóc tách phần rễ và hạch của bướu dính ở tá tràng, sau đó cắt bỏ thận phải và bóc khối u. Người bệnh tiếp tục được mở tĩnh mạch lấy chồi bướu. Khối bướu lấy ra khá lớn, kích thước 7x10cm. Bệnh nhân xuất viện sau 6 ngày.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân cho biết theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% các ca ung thư thận. Người bệnh có thể chỉ sống thêm khoảng 5 tháng nếu không kịp thời điều trị. Nếu cắt thận và lấy chồi bướu, tỷ lệ sống 5 năm lên đến 64%.

Ung thư thận rất âm thầm

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phó Minh Tín, Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, gần 80% trường hợp ung thư thận tại đây được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện dấu hiệu bất thường và thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng ung thư thận.

Ở giai đoạn sớm, bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn với nguy cơ tái phát thấp. Tuy nhiên giai đoạn này, bệnh không có triệu chứng rõ ràng.

Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể có đau lưng hông, tiểu ra máu, sờ thấy khối u vùng thắt lưng hoặc sụt cân, mệt mỏi. Nếu ung thư thận âm thầm, kéo dài có thể dẫn đến việc khối bướu có chồi bướu, xâm lấn nhiều cơ quan.

Đến nay, y khoa chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra ung thư thận mà chỉ nhận diện các yếu tố nguy cơ như béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, công việc có tiếp xúc với hóa chất, di truyền. Siêu âm bụng là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu với chi phí thấp nhưng phát hiện được khối u thận hay các tổn thương để đưa ra hướng điều trị.

Linh Anh