Mỗi tuần, anh Trần Đăng Anh (35 tuổi) không thể thiếu ít nhất 2 bữa cá khô và cà muối. Vợ anh nhiều lần khuyên phải bỏ hẳn hoặc giảm dần 2 loại đồ mặn này nhưng người đàn ông vẫn chưa thực hiện được.
“Tôi biết ăn mặn không tốt cho thận nhưng trước giờ cũng chưa gặp vấn đề gì về sức khỏe. Con gái tôi thích ăn khô cá cũng bị cấm. Đôi khi tôi thấy vợ quá khắt khe chuyện ăn uống”, anh kể.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết cơ thể con người rất cần muối vì hệ cơ và thần kinh sẽ không hoạt động được nếu thiếu chất này. Tuy nhiên, muối cần với cơ thể ở một mức độ nhất định.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người trưởng thành khỏe mạnh không nên ăn quá 5g muối/ngày, tương đương với một thìa cà phê muối.
Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021, do Bộ Y tế chủ trì thực hiện, cho thấy lượng muối mỗi người tiêu thụ hiện là 8,1g/ngày (trước đây là 9,8g/ngày). Con số vẫn cao hơn khuyến cáo của WHO.
Bữa cơm do anh Đăng Anh nấu luôn rất đậm vị so với khi vợ vào bếp.
Cũng theo điều tra này, tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Hậu quả của thói quen ăn mặn là nhiều bệnh tật như tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ và ung thư.
“Ăn mặn là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày và thực quản, trong đó nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 1,5 lần ở người ăn mặn. Chế độ ăn này còn liên quan đến cả ung thư đại tràng, thận và bàng quang”, bác sĩ Tường nói. Theo bác sĩ Tường, có 2 giả thuyết về việc ăn mặn dễ bị ung thư dạ dày.
Thứ nhất, việc ăn mặn sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Do vi khuẩn HP luôn có trong dạ dày nên khi niêm mạc dạ dày tổn thương, HP dễ dàng xâm nhập sâu vào bên trong và gây ra ung thư dạ dày. Thứ hai, ăn mặn sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn HP tăng trưởng. Khi số lượng HP nhiều hơn, nguy cơ ung thư dạ dày cũng sẽ cao hơn.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), ở các nước phát triển, lượng muối ăn vào hàng ngày chủ yếu đến từ các thực phẩm chế biến sẵn do thói quen sử dụng các thực phẩm chế biến công nghiệp rộng rãi.
Còn ở Việt Nam, lượng muối ăn vào chủ yếu đến từ việc cho muối và các gia vị chứa nhiều muối khi bảo quản, tẩm ướp, chế biến đồ ăn; thói quen chấm và chan các loại nước chấm, nước sốt.
Để thay đổi thói quen ăn mặn, bác sĩ khuyến khích các gia đình không nên dọn sẵn nước chấm lên mâm cơm hằng ngày để hạn chế việc "chấm", từ đó giảm lượng muối tiêu thụ. Các bà nội trợ cũng nên giảm muối khi chế biến, chỉ khoảng 75% mức khuyến cáo để trừ hao cho lượng muối khi chấm thức ăn.
Bác sĩ Chi cho hay vị giác của trẻ nhỏ rất nhạy, nếu được cho ăn chế độ nhiều muối từ nhỏ sẽ khiến trẻ hình thành thói quen thích ăn mặn. Vì thế, người lớn nên hình thành thói quen ăn giảm muối cho trẻ nhỏ.
Khi nấu ăn cho trẻ, cha mẹ cố gắng giữ nguyên hương vị có sẵn của thực phẩm (đa số thực phẩm tươi sống đều có sẵn hàm lượng muối nhất định). Nếu nêm nếm, nên tạo vị nhạt hơn so với cảm nhận của người lớn; chủ động nấu ăn tại nhà để dễ kiểm soát lượng muối. Khi nấu cháo hay súp, có thể cho một lượng phô mai phù hợp để món ăn thơm ngon, tăng lượng chất béo mà không quá mặn.
Tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh tật, lượng muối tiêu thụ ở mỗi người cần thay đổi. Trẻ từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày để bảo vệ sức khỏe, bao gồm cả muối trong thực phẩm, trong đồ chấm…
Trong khi đó, người đang bị tăng huyết áp chỉ được ăn tối đa 3g muối/ngày, người bị suy thận hay suy tim không ăn quá 2g muối/ngày.
Cảnh giác với đồ chay giả mặn
Dấu hiệu 'tố cáo' bạn đang ăn mặn