Bệnh nhân là ông P.H.P (64 tuổi). Sau khoảng 3 tuần đi tiểu ra máu đỏ tươi và máu cục, ông P. đến khám tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).
Kết quả cho thấy ông bị ung thư thận trái với khối u có kích thước 68x49mm đã xâm lấn mô mỡ xung quanh. Chồi bướu ăn lan vào tĩnh mạch chủ, tiến sát tâm nhĩ phải. Phẫu thuật là cách duy nhất để cứu tính mạng người bệnh trước khi chồi bướu xâm lấn vào tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi.
Đáng ngại, người bệnh có bệnh lý nền phức tạp vì xơ vữa và hẹp mạch vành. Qua hội chẩn với các chuyên gia tim mạch, bác sĩ đánh giá nguy cơ nhồi máu cơ tim của người bệnh trong và sau phẫu thuật khoảng 80%, nguy cơ tử vong lên đến 90%.
Hội đồng khoa học của Bệnh viện Bình Dân được triệu tập và lên kế hoạch rất chi tiết cho cuộc mổ. Ca phẫu thuật chỉ có 10-20% cơ hội cứu được người bệnh và phải kiểm soát cùng lúc nhiều vấn đề bệnh lý phức tạp.
Ngày 19/5, bệnh nhân được phẫu thuật bằng kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn. Nhóm bác sĩ niệu, gan mật, mạch máu cùng phối hợp nhịp nhàng, tranh thủ từng giây phút trên bàn mổ. Phẫu thuật viên mở tĩnh mạch chủ lấy chồi bướu dài hơn 10 cm từ nhĩ xuống thận trái. Sau đó, ê-kíp tiết niệu cắt thận trái, khâu tĩnh mạch chủ.
Hậu phẫu ngày đầu tiên, người bệnh đã được rút nội khí quản, tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn đều ổn định. Sau 7 ngày, bệnh nhân được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch máu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết ca phẫu thuật diễn ra trong 6 giờ, toàn bộ thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể là 60 phút. Thời gian mở nhĩ, mở tĩnh mạch chủ để lấy chồi bướu trong khoảng 20 phút.
Theo các bác sĩ, nếu không được phẫu thuật kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong trong vài ngày khi chồi bướu gây tắc đường máu đổ về tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi trên nền đái tháo đường và xơ vữa mạch vành.
Do đó, người dân cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm, nhất là những người lớn tuổi có bệnh nền như đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng.