Theo Phó giáo sư, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Việt Nam thuộc vùng dịch tễ viêm gan siêu vi B, C, mỗi năm có 26.418 ca mắc mới ung thư gan. Ung thư gan được xem là "sát thủ hàng đầu" với 25.272 ca tử vong, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư các loại.
Những người mắc bệnh viêm gan B, C mạn tính, xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan. Người bị gan nhiễm mỡ lâu ngày, đái tháo đường type 2, bệnh gan do di truyền, nhiễm độc chất aflatoxin, dioxin, hút nhiều thuốc lá,... cũng là đối tượng có nguy cơ rất cao.
Vừa qua, anh T.T.A. (45 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng đau tức hạ sườn phải với tiền sử viêm gan virus B.
Tại Khoa Ngoại gan mật tụy, bác sĩ tiến hành siêu âm và phát hiện một khối u kích thước lớn đường kính trên 10cm, các chỉ số ung thư như PIVKA II và AFP cũng tăng rất cao. Người bệnh được tiến hành phẫu thuật nội soi cắt gan, phục hồi và đang được theo dõi định kỳ sau mổ.
Theo bác sĩ Hoàng, tầm soát ung thư gan định kỳ được xem là giải pháp thiết thực có thể giúp người bệnh phát hiện các bất thường trong cơ thể từ sớm.
Ung thư gan từ lúc mới hình thành đến lúc qua giai đoạn tiến triển thường kéo dài nên việc theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng bằng siêu âm bụng và AFP ở các đối tượng nguy cơ sẽ giúp phát hiện sớm khi khối u dưới 2cm. Đây được xem như cơ hội vàng cho việc điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nếu phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm và khối u còn nhỏ, bệnh nhân có thể được hủy u bằng sóng cao tần hoặc vi sóng. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả cao.
Trường hợp phát hiện bệnh khi khối u lớn hơn nhưng chức năng gan còn tốt, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Hiện nay trên thế giới, tỷ lệ sống 5 năm sau khi phẫu thuật ung thư gan là 50-70%.
Trường hợp ung thư chưa quá muộn nhưng chức năng gan rất kém, bác sĩ sẽ chọn phương pháp ghép gan.
Ở mức độ ung thư gan nặng hơn, người bệnh sẽ được bơm hóa chất làm tắc mạch nuôi khối u (TACE). Đây là giải pháp giúp khống chế sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, sau đó, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra xem còn mạch máu nào nuôi khối u hay không và tiếp tục thực hiện TACE nếu cần thiết.
Các bác sĩ cho hay, khi bệnh ở giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn, điều trị thất bại hoặc không phù hợp điều trị can thiệp tại chỗ, khi đó giải pháp điều trị toàn thân đóng vai trò quan trọng.
Các liệu pháp toàn thân được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm: hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích kết hợp miễn dịch. Khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, liệu pháp toàn thân có thể giúp người bệnh kéo dài thời gian sống lên đến 20 tháng.