- Sau vụ việc phản đối BQL chợ dỡ mái che vào năm 2014, hàng loạt tiểu thương chợ Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lại tiếp tục đấu tranh về “quyền sử dụng chỗ ngồi” khi có thông báo phải ký hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng.

Một ki-ốt mua được 10 suất đất mặt đường!

Sự việc bắt đầu từ thời điểm giữa tháng 01/2015, 68 chủ ki-ốt, sạp hàng kinh doanh tại chợ Phù Lỗ nhận được thông báo từ BQL chợ về việc ký lại hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng với thời hạn 01 năm.

Bà con tiểu thương không đồng tình với thông báo này bởi theo họ, 20 năm trước, họ tham gia đấu thầu và đã được UBND huyện Sóc Sơn chứng nhận việc trúng thầu mua ki-ốt.

{keywords}
Kinh doanh ế ẩm, cùng với thông báo phải thuê lại ki-ôt do chính mình đấu thầu trúng, nhiều chủ hàng đóng cửa không bán hàng.

Theo lịch sử: Năm 1994, sau khi hoàn thành cây chợ Phù Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn tiến hành đấu giá các ki-ốt, sạp hàng cho những người có nhu cầu kinh doanh buôn bán.

Mỗi một ki-ốt thời điểm đó có giá khởi điểm 24 triệu đồng – một con số mà theo các tiểu thương là rất lớn. Giá trị đấu thầu thực tế, mỗi ki-ốt có giá từ 27 – 30 triệu đồng. Ki-ốt được xây bằng tường gạch, mái đổ bê-tông, diện tích từ 10 – 13,2m2/căn.

“Lúc đó (năm 1994), một suất đất mặt đường có giá 03 triệu đồng. Tiền mua một ki-ốt tính ra bằng 10 suất đất mặt đường. Bây giờ, mỗi một suất đất mặt đường Phủ Lỗ có giá hàng tỷ đồng. Khi đó, nhiều người chúng tôi vì không đủ tiền đã phải thế chấp nhà đất, vay mượn để trả tiền mua ki-ôt nhằm có một chỗ ngồi kinh doanh lâu dài” – chủ một ki-ốt chợ Phù Lỗ cho biết.

{keywords}
Hồ sơ một ki-ốt trúng thầu mà người dân nhận được, bao gồm phiếu thu và biên bản công nhận kết quả trúng thầu.

Những người tham gia đấu và trúng thầu, ngoài biên bản chứng thực kết quả trúng thầu do Hội đồng đấu thầu huyện Sóc Sơn cấp còn kèm theo Phiếu thu có nội dung ghi “Nộp tiền mua ki-ốt” và phiếu thu xác nhận nộp tiền dự thầu.

Kể từ đó đến nay, các tiểu thương chợ Phủ Lỗ yên ổn kinh doanh mà không phải đóng bất kỳ khoản thuế/phí nào, ngoài hai loại phí bảo vệ chợ và tiền điện/nước hàng tháng.

“Khi đó, người trong Hội đồng đấu thầu cũng thông tin với chúng tôi, là bà con tham gia đấu thầu sẽ được quyền sử dụng ki-ốt lâu dài. Vì thế, chúng tôi mới chật vật đi vay mượn, thế chấp nhà cửa để mua ki-ốt. Nếu không, chẳng ai dại bỏ số tiền lớn ở thời điểm đó đề thuê ki-ốt làm gì cả” – anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ một ki-ốt cho biết.

Với lập luận, số tiền bỏ ra để sở hữu một ki-ốt là một món tiền lớn thời điểm đó; phiếu thu cũng xác nhận là “tiền mua ki-ốt”, các tiểu thương đều đinh ninh rằng, họ đã là chủ sở hữu lâu dài, vĩnh viễn ki-ốt mà mình trúng thầu.

Chính vì thế, khi được Ban quản lý chợ ra thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh lên ký lại hợp đồng với thời hạn 1 năm, đồng thời áp mức phí chợ là 45.000đ/m2/kios và từ 25.000đ - 30.000đ/m2/sạp hàng phần lớn các hộ đều hết sức bất bình.

“Người dân hiểu sai!?

Thông tin với VietNamNet, Trưởng BQL chợ Phù Lỗ, ông Ngô Văn Giang cho hay: BQL thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn về việc thu phí chợ Phù Lỗ theo QĐ số 164 của UBND TP.Hà Nội.

Về mức thu phí chợ, theo ông Giang, BQL chợ Phù Lỗ thực hiện theo văn bản số 312/ UBND – TCKH của UBND huyện Sóc Sơn chứ không phải do BQL chợ tự áp đặt.

“Đây là mức phí mà UBND huyện thực hiện sau khi đã báo cáo giải trình với thành phố có xem xét đến sự phù hợp với điều kiền kinh doanh trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục có kiến nghị.

Còn về việc mời bà con tiểu thương lên ký lại hợp đồng là do hợp đồng thuê cũ của bà con từ năm 1994 đã hết hạn. Theo quy định, thời hạn ký hợp đồng mới là 1 năm. Sau 1 năm nếu bà con nào còn có nhu cầu kinh doanh buôn bán sẽ được tiếp tục ký hợp đồng mới”.

Về ý kiến của các tiểu thương cho rằng họ trúng thầu mua ki-ôt thì phải được sử dụng lâu dài, nhất là khi không ghi nội dung thời hạn sử dụng trong Biên bản trúng thầu, ông Giang giải thích: “Việc bà con cho rằng mình đã “mua” kios từ năm 1994, đồng thời viện dẫn trên biên lai thu tiền ghi “nộp tiền mua ki-ốt” là do cách hiểu của bà con chưa chính xác. Thực tế việc “mua” này là “mua quyền sử dụng có thời hạn” trong 20 năm”.

Về những kiến nghị của bà con tiểu thương, ông Giang cho biết: UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập tổ công tác làm việc về những nội dung mà bà con phản đối. Thời gian tới đây, sẽ có thông tin trả lời kiến nghị.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con hiểu, hợp tác với BQL chợ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao” – ông Giang nói.

Trong khi đó, ý kiến của phần lớn tiều thương đều khẳng định: ngoài biên bản trúng thầu và phiếu thu tiền từ năm 1994 do ông Hoàng Bình – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đấu thầu huyện Sóc Sơn ký xác nhận việc trúng đấu giá mua ki-ốt, tiểu thương không nhận được bất kỳ giấy tờ nào khác.

"Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chúng tôi” – bà Thêm, chủ ki-ốt 59 khẳng định.

Kiên Trung