Video giả vờ xăm cho con gái của Thomas khiến nhiều người giận dữ.

Ngày 30/6, Kaylee Thomas (19 tuổi), chủ một tiệm xăm ở Michigan (Mỹ) đăng đoạn video có tiêu đề: "Xăm vài hình đôi với đứa con 3 tuổi của tôi". Clip này hiện đã bị nền tảng gỡ.

Trong clip, Thomas dùng giấy in hình hai trái tim đan vào nhau lên cánh tay con gái rồi giả vờ sử dụng máy xăm để tô theo. Sau đó, cô thực hiện một hình xăm tương tự lên tay mình, theo Insider.

Đoạn video nhanh chóng nhận được 10 triệu lượt xem. Thomas cho biết cô cảm thấy "ngạc nhiên" trước mức độ lan truyền của clip, và dù có gắn các hashtag "chơi khăm", "giả mạo", "không có thật" bên dưới, nhiều người vẫn tin hình xăm của con gái cô là thật và lên tiếng chỉ trích nữ thợ xăm.

Thomas cũng cho biết kể từ khi mở tiệm xăm vào tháng 2, phần lớn khách hàng của cô đến vì biết qua TikTok. Con số này nhanh chóng tăng lên kể từ khi đoạn video tranh cãi lan truyền, cô cũng có thêm gần 16.000 người theo dõi.

"Việc nổi tiếng giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh của tôi vì thu hút thêm khách hàng. Tôi yêu công việc của mình và tôi thích việc bản thân có thể tạo ra nội dung thu hút người xem. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm điều đó".

xam hinh cho con nho anh 1

Thomas thường làm clip giả vờ xăm cho con gái. Ảnh: @zealtattoos.

Ngoài sự chú ý từ khách hàng tiềm năng, bà mẹ 19 tuổi nhận được nhiều ý kiến tiêu cực từ người xem. Một người thậm chí còn so sánh hành động của cô như bạo hành trẻ em.

Tuy nhiên, bà mẹ trẻ bày tỏ rằng không quan tâm vì biết các video của mình chỉ là đùa và những người giận dữ chỉ là chưa tìm hiểu kỹ trước khi bình luận. Cô cũng cho rằng những bình luận tiêu cực sẽ không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Dù vậy, hành động của Thomas cũng khiến cô phải nhận hậu quả. Cô phải tạm dừng không trả lời các cuộc gọi đến số điện thoại công khai của tiệm xăm vì có quá nhiều người liên tục làm phiền.

Thomas cũng nhận được một số tin nhắn quá khích, hỏi cô về video hoặc hỏi liệu hình xăm có phải là thật hay không. Mặc dù vậy, Thomas cho hay mình không hối tiếc về bài đăng.

Quay video giả vờ xăm cho trẻ nhỏ từng là trào lưu lan truyền trên TikTok. Trong khi một số người nói rõ rằng việc xăm hình là giả thông qua chú thích bên dưới, số khác cố tình gây hiểu lầm hoặc để lời giải thích ở phần sau, người xem phải bấm "xem thêm" mới có thể đọc.

Theo Zing