Hội thảo khoa học toàn quốc "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” sẽ diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nam.
Hội thảo dự kiến quy tụ 250 đại biểu, trong đó có lãnh đạo thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy; các hội văn học nghệ thuật địa phương và nhiều nhà khoa học.
Tại cuộc họp báo chiều 15/12, TS. Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - đơn vị tổ chức hội thảo cho hay, một trong những nội dung quan trọng của hội thảo là tìm cách phát huy vai trò của văn nghệ sĩ cả nước trong quá trình xây dựng nền văn học, nghệ thuật hiện đại, hội nhập quốc tế.
"Ban tổ chức đã nhận được hơn 150 bài tham luận được phân loại 11 chủ đề như: Đánh giá về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ, vai trò của văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; Văn học nghệ thuật với vấn đề chuyển đổi số và chiến lược phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng lý luận phê bình; Văn học nghệ thuật với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo; Văn học nghệ thuật với vấn đề giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; Chọn lọc và tiếp thu các thành quả lý luận văn học nghệ thuật trong nước và ngoài nước;
Thực trạng vấn đề xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng tham mưu văn học nghệ thuật; Phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật; Xây dựng văn hoá lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn hóa và văn học nghệ thuật; Đấu tranh chống quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Số lượng tham luận cho thấy sự hưởng ứng của đông đảo cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước với chủ đề của hội thảo”, TS. Ngô Phương Lan chia sẻ.
Hội thảo cũng sẽ đánh giá những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 trong các lĩnh vực: Sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng... ở các ngành, hội, đơn vị trung ương và địa phương.
“Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23. Kết quả hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Thường trực Ban Bí thư giao,” bà Lan cho hay.
Dịp này, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng sẽ tổ chức Kỳ họp thứ hai (nhiệm kỳ 2021-2026) ngày 20/12 để thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, nhiệm vụ dự kiến triển khai trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2021-2026.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập; thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam (giai đoạn 2); xây dựng Chương trình dịch thuật, chương trình biên tập, xuất bản các công trình trọng điểm quốc gia về văn học, nghệ thuật nhằm giới thiệu các công trình lý thuyết văn học, nghệ thuật và mỹ học quan trọng của thế giới, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập.
Bên cạnh đó, Hội đồng tiếp tục nhiệm vụ đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các công việc thường niên của Hội đồng.