Lần đầu tiên Trung tâm Đào tạo Thường xuyên - ĐH Đà Nẵng tổ chức tọa đàm về những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ xa trình độ đại học với sự tham gia của 3 đơn vị có cùng sứ mệnh, cùng trực thuộc 3 đại học vùng.
Phiên tọa đàm đầu tiên về mô hình Trung tâm Đào tạo thường xuyên và phương thức Đào tạo từ xa mới đây đã được tổ chức bởi 3 cơ sở đào tạo từ xa có quy mô lớn của cả nước, đều thuộc 3 đại học vùng, là: Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin thuộc ĐH Huế; Trung tâm Đào tạo Từ xa thuộc ĐH Thái Nguyên và đơn vị khởi xướng, đăng cai là Trung tâm Đào tạo thường xuyên thuộc ĐH Đà Nẵng.
Chủ đề phiên thảo luận là “Những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ xa trình độ đại học”.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ xa, đáp ứng nhu cầu học tập liên tục, học tập suốt đời của xã hội trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa - chia sẻ: “Tọa đàm là dịp để đánh giá thực trạng công tác tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học, chỉ ra những cơ hội và thách thức để cùng nhau đưa ra các giải pháp, tập trung là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục quảng bá, nhân rộng phương thức đào tạo từ xa, tiếp tục mang lại cơ hội học tập cho mọi người, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập”.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về sự dịch chuyển ngành nghề trong nước và quốc tế, kèm theo đó là sự dịch chuyển trong ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hiện nay.
“Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo thường xuyên phải thực sự linh động, không ngừng nâng cao chất lượng, cập nhật chương trình đào tạo, vận dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào quá trình đào tạo nhằm đáp ứng và tạo điều kiện tối đa cho nhu cầu bổ sung kiến thức của người học để có thể bắt kịp sự chuyển dịch của ngành nghề trong xã hội” - ông Bắc nhấn mạnh.
Theo ông Bắc, đào tạo từ xa là phương thức mang lại cơ hội rất lớn cho người học, học mọi lúc, mọi nơi không bị hạn chế bởi không gian và thời gian, nên cả 3 đơn vị tham gia tọa đàm này đều đang đào tạo trực tuyến e-learning, thu hút được hàng vạn học viên trên toàn quốc đăng ký theo học với các ngành như Ngôn ngữ Anh, Luật, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Quản lý Nhà nước…
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập từ kinh nghiệm thực tiễn cơ sở như: Huy động, tranh thủ nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất từ các cơ sở giáo dục thành viên; Tăng cường kết nối đối tác chuyên gia; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo trực tuyến; Phát triển tài nguyên học liệu số; Đồng hành và hỗ trợ người học…
"Khi thấy rằng lúc đo thân nhiệt, cán bộ y tế và người được đo phải đứng sát nhau dễ gây ra lây nhiễm chéo, nên tôi lên ý tưởng về máy đo thân nhiệt từ xa và thực hiện trong 3 ngày" – GS Bùi Văn Ga chia sẻ.