Dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để đi điền dã, sưu tầm rồi tập hợp thành sách, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Huỳnh Thanh Bình cùng các cộng sự đã cho độc giả thấy được sự thú vị và giá trị của di sản Nam bộ thông qua gốm và tranh tường Khmer với bộ sách: Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa; Gốm Sài Gòn, Tranh trường Khmer Nam bộ.
Bộ sách dày công sưu tầm, nghiên cứu của 2 tác giả Huỳnh Thanh Bình và Huỳnh Ngọc Trảng. |
Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình đã dành gần 10 năm đi đây đó khắp hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu hoàn thành cuốn sách ảnh Tranh tường Khmer Nam bộ.
Cuốn sách đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Tác phẩm còn đề cập đến nghề vẽ tranh tường các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Do đó, tranh tường Khmer độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, tranh tường Khmer cũng cho thấy thị hiếu thẩm mỹ và cái nhìn mỹ thuật không chỉ của người nghệ nhân tạo tác mà đó còn là của cả cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dành cả đời để nghiên cứu văn hóa dân gian, Huỳnh Ngọc Trảng là cái tên đầy uy tín cho những ấn phẩm viết về nhiều lãnh vực lịch sử văn hóa – nghệ thuật ở vùng đất phương Nam. Bộ sách về Gốm như: Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa; Gốm Sài Gòn, Gốm Lái Thiêu (đang thực hiện) được làm mới thêm nhiều hơn và bồi đắp nhiều bằng chứng rõ ràng hơn trước từ nhiều nguồn tài liệu bổ sung.
Bộ sách là sự cộng tác giữa nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Phúc, cùng 2 cộng sự trẻ Lưu Kim Chung - Nguyễn Đức Huy, nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, nhà sưu tập Hồ Hoàng Tuấn và sự giúp sức của nhiều nhà sưu tập…
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chọn Gốm Cây Mai là tác phẩm mở đầu cho dòng sách về gốm khởi nguồn từ lý do lịch sử xuất hiện lần lượt của các dòng gốm tại vùng đất Nam kỳ xưa.
Gốm Cây Mai sở hữu hầu như tất cả kỹ pháp trang trí để xuất hiện phổ biến khắp các công trình gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm gia dụng bài trí, gốm thờ tự, tượng thờ, tượng trang trí… Tiếc thay, các dòng gốm hậu Cây Mai sau này khi quá trình đô thị hóa ở vùng Chợ Lớn phát triển (thiếu nguyên liệu và bất tiện hơn) khiến cho các nghệ nhân hàng đầu của dòng gốm này bước sang công cuộc dịch chuyển về làng nghề Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức…
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng lạc quan và dành lời khen ngợi cho những người trẻ. Ông nói: "Việc hiểu biết về gốm sứ không phải ai cũng hiểu hết được bởi vì có những món đồ mà người này có nhưng người khác lại chưa từng thấy, thì không có thể nói được về món đó. Do đó, việc nghiên cứu về gốm, vai trò của từng người đóng góp vào rất quan trọng vì mỗi người có sở trường riêng".
Với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ các nhà nghiên cứu luôn cố gắng đem lại cho công chúng những thông tin xác thực và những kiến thức căn bản, trước sự mai một đã báo động và đang biến mất rất nhanh trong đời sống hiện nay. Qua đó, những tập sách ảnh trên muốn chạm vào cảm xúc và lưu giữ cùng bạn đọc ký ức thời gian của di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ xưa.
Tình Lê
Giải B Sách Quốc gia: Người xưa trọng lễ nghĩa, đặt tên hiệu cũng cầu kỳ
Sách 'Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam' giải thích ngọn nguồn cách đặt tên tự, tên hiệu, biệt hiệu, đồng thời chỉ ra mối quan hệ, ý nghĩa và cách sử dụng chúng.