Sau khi xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường, ông N.V.R (60 tuổi), đi khám và điều trị thời gian dài ở bệnh viện địa phương nhưng không hiệu quả. Vì vậy, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có u não. Thông tin này khiến ông rất lo lắng, thậm chí có lúc tuyệt vọng. 

Sau đó, ông đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám. Tại đây, các bác sĩ chuyển ông tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) vì nghi ngờ ông mắc bệnh ký sinh trùng.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho ông R. tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: VT

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ phát hiện ông R. có tổn thương não. Kết xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc sán não. Ông chia sẻ bản thân thường ăn tiết canh, thịt lợn tái trong các dịp liên hoan, lễ Tết. 

Trước đó, các bác sĩ cũng từng tiếp nhận một nam bệnh nhân (43 tuổi, Thanh Hóa) bị sốt cao đột ngột, mệt mỏi, chán ăn khiến cơ thể giảm 8 kg chỉ trong thời gian ngắn. Lo lắng, anh đi khám nhiều viện nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Do có tổn thương nghi áp-xe gan, anh đến Bệnh viện K (Hà Nội) để kiểm tra. Bác sĩ nghi ngờ anh mắc bệnh lý ký sinh trùng nên chuyển qua Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.   

Tiến sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết qua các kết quả thăm khám, nam bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán lá gan lớn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thói quen thường xuyên ăn các món rau mọc dưới nước, ăn rau sống, uống nước lã…

Biểu hiện chủ yếu của bệnh là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu hoặc đôi khi đau thượng vị. Bệnh nhân có thể kèm theo nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài. Nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, kém ăn, sụt cân, sẩn ngứa, mề đay. Thậm chí,  một số bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn.

Bệnh có nhiều mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Việt Nam từng ghi nhận trường hợp vỡ gan vì nhiễm sán lá gan lớn. Việc điều trị bệnh lý sán não cần thời gian dài, bệnh nhân phải tuân theo phác đồ điều trị làm 3 đợt, có thể kéo dài tới 7-12 tháng.

Thói quen ăn uống gây ra nhiều bệnh nguy hiểm 

Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan ký sinh trùng thường do thói quen ăn uống. Các món như gỏi cá, lẩu cá có thể là nguyên nhân gây nhiễm sán lá gan nhỏ, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng, ăn uống khó tiêu...

Trong khi đó, các loại rau sống như rau muống, rau ngổ, rau cần, rau diếp cá… không được rửa sạch có thể khiến người ăn nhiễm sán lá gan lớn gây áp-xe, tổn thương gan.

Ngoài ra, việc ăn thịt lợn, thịt bò tái, sống hoặc chưa nấu chín có thể nhiễm sán dây trưởng thành, gây rối loạn tiêu hoá, đau bụng, khó chịu, sút cân nhanh. Những món ăn này, cùng với nem chạo, nem chua... cũng khiến người ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun xoắn ký sinh trong lợn.

Tùy vào mức độ nhiễm, người bệnh có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy kéo dài, phù mắt, phù mặt sau đó phù toàn thân, sợ ánh sáng, đau nhức cơ, gầy sút... Đây là những biểu hiện của nhiễm trùng nhiễm độc cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Ăn chín, uống chín, rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước là lời khuyên của các bác sĩ giúp phòng ngừa các bệnh lý ký sinh trùng. Khi có biểu hiện sốt kéo dài, rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn); chán ăn, sụt cân nhanh; ngứa hoặc nổi mề đay, ngứa vùng hậu môn; xanh xao thiếu máu, người dân nên nghĩ tới nguyên nhân do ký sinh trùng để đi khám, xét nghiệm.  

Sáu nguyên nhân thường gặp gây đau thắt ngực

Sáu nguyên nhân thường gặp gây đau thắt ngực

Nhiều người sau khi tập thể dục hoặc thức dậy thường xuất hiện dấu hiệu đau ngực, khó chịu. Khi đi khám, họ bất ngờ vì được bác sĩ chẩn đoán tình trạng này không phải bệnh lý từ tim.