Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 10,28% lên 12,28% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 30/6 đến 29/7.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu DIG tăng 2.200 đồng, lên 35.050 đồng/cổ phiếu.

DIG giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 15/6 đến 21/6, công ty buộc phải giải trình theo quy định. Lý giải về sự biến động này, DIG cho rằng đó là do phản ứng của nhà đầu tư trước các thông tin tiêu cực chung về nền kinh tế và cung cầu thị trường.

Đầu năm nay, ông Nguyễn Hùng Cường cũng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DIG, nhưng chỉ mua vào 145.000 cổ phiếu từ 18/1/2022 đến 18/2/2022 để nâng sở hữu từ 10,25% lên 10,28% vốn điều lệ. Ông Cường cho hay ông không mua vào lượng cổ phiếu đăng ký bởi diễn biến giá không phù hợp.

Lãnh đạo của DIG

Bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,001% lên 0,2% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 28/6 đến 27/7.

Còn tại CTCP Tập đoàn Gelex (GEX), bà Nguyễn Bích Hà, con gái ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT Gelex đăng ký mua 850.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,024% lên 0,124% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/6 đến 22/7.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc vừa mua vào 10 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 22,58% lên 23,75% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 4/5 đến 24/5.

Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu GEX liên tục giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu GEX giảm về 19.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) 

Không chỉ người nhà mà ngay cả chủ tịch cũng phải ra tay để cứu cổ phiếu giảm. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC, nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/6 đến ngày 22/7/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Lê Viết Hải sẽ nâng sở hữu tại Hòa Bình từ 38,91 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15,84% lên mức 48,91 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,91%.

Cổ phiếu HBC đã giảm tới hơn 50% kể từ đầu năm 2022, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6 tại mức giá 17.350 đồng/cổ phiếu.

Tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG), ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT vừa mua 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 18,43% lên 19,06% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 27/5 đến 13/6. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu TIG giảm về 12.300 đồng/cổ phiếu.

Thăm dò thị trường

Trong ngày cuối tuần trước, áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng về cuối phiên khiến cho đà hồi phục của chỉ số VN-Index không duy trì được đến cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (25/6), VN-Index đứng ở mức 1.185,48 điểm, tương ứng giảm 31,82 điểm (-2,61%) so với tuần trước, HNX-Index giảm 4,13 điểm (-1,47%) xuống 275,93 điểm, UPCoM-Index đi ngang tức vẫn giữ mức 87,1 điểm.

VDSC cho rằng, các chỉ số đang tiến sâu hơn vào vùng đáy cũ và cũng là vùng hỗ trợ mạnh, nhưng thanh khoản không cải thiện. Điều này cho thấy nỗ lực neo giữ vùng hỗ trợ này của dòng tiền lớn cần phải được đánh giá lại.

Dự kiến, thị trường sẽ quay trở lại vùng 1.160-1.170 điểm của VN-Index và quanh 1.200 điểm của VN30-Index trong đầu tuần tới để thăm dò cung cầu và dần phục hồi trở lại.

Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục chậm lại để quan sát động thái hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn. Đồng thời, tận dụng nhịp tăng (nếu có) để hạ tỷ trọng tại các cổ phiếu có nguy cơ tiếp tục suy yếu.

BSC cho rằng, thị trường vẫn có thể sẽ dao động quanh tại vùng 1.180 điểm này nếu không có dòng tiền bứt phá.

Hé lộ chiêu trò ‘làm xiếc’, bơm thổi giá cổ phiếuTạo cung cầu giả tạo, đẩy giá cổ phiếu, làm giả số liệu... là những chiêu trò tinh vi đã và đang tồn tại trên thị trường chứng khoán nhằm “úp sọt” nhà đầu tư.