Năm 2023 là năm thứ hai tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bắt đầu từ năm 2022, do không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn nên tỉnh Ninh Bình không nằm trong danh sách các địa phương thụ hưởng ngân sách Trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia ((MTQG) giảm nghèo bền vững.
Bước vào giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%. Số lượng hộ nghèo của tỉnh trong giai đoạn này không còn nhiều, các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của tỉnh và thực sự phù hợp với tình hình thực tế để các chính sách phát huy hiệu quả. Xác định rõ, việc hỗ trợ sinh kế là cơ sở quan trọng nhằm tạo sức bật để người nghèo vươn lên, trong năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng tới hoạt động tư vấn học nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất… giúp người nghèo có thêm điều kiện vươn lên.
Bên cạnh việc chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Một trong những dự án trọng tâm, được kỳ vọng tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên đó là dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Để thực hiện có hiệu quả dự án 4, các địa phương đã thực hiện tuyên truyền điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn thu thập cơ sở dữ liệu về người lao động; khảo sát, thu thập thông tin của 83.080 người lao động trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người-người tìm việc. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm tỉnh để đưa cơ hội việc làm đến với lao động địa phương, trong đó có lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Với những đóng góp hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 19.400 người, đạt 100% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng CSXH thực hiện đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Hàng năm, UBND tỉnh luôn quan tâm bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thông qua Quỹ cho vay giảm nghèo. Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ là 210 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, người yếu thế, người khuyết tật có vốn để sản xuất, kinh doanh…
Năm 2023, doanh số cho vay của Ngân hàng đạt 1.181 tỷ đồng, với 24.523 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 618 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần tạo việc làm cho gần 10.000 lao động; giúp 1.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng cải tạo gần 22.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa 200 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.