Ông Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Bình Thuận còn cao, việc làm và thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, tốc độ giảm nghèo còn chậm và không đồng đều giữa các vùng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, số người thiếu việc làm và chưa có việc làm còn nhiều, số hộ tái nghèo lớn...

Tuy nhiên, nhờ chương trình tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân kịp thời đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, sử dụng hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

W-thanh-long-bt-1.jpg
Vốn tín dụng chính sách hiện đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Bình Thuận, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời giúp nhiều địa phương hoàn thành chương trình nông thôn mới. 

Tỉnh Bình Thuận đã bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 267 tỷ đồng, trong đó từ năm 2021 đến nay đạt 164 tỷ đồng.

Với nguồn lực từ trung ương, địa phương đã tập trung đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tổng nguồn vốn thực hiện đến 30/6/2023 đạt 4.202 tỷ đồng. Doanh số cho vay từ năm 2021 đến nay đạt trên 3.065 tỷ đồng; doanh số thu nợ trên 1.801 tỷ đồng. Đến 30/6/2023, tổng dư nợ thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.194 tỷ đồng với gần 110 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tăng 977 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 30,36 % so với thời điểm 31/12/2020.

Giai đoạn 2021-2023, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trong đó tập trung ưu tiên vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS.

Kết quả vốn tín dụng chính sách tạo điều kiện cho trên 18,9 nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho 323 hộ có thu nhập thấp xây dựng nhà ở hoặc mua nhà ở xã hội; thu hút, tạo việc làm cho trên 28,5 nghìn lao động; giúp trên 20,4 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên 82,3 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 3,2% vào đầu năm 2021, đến cuối năm 2022 còn 2,58%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,31%/năm. 

Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi, nhanh chóng để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, các vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS và miền núi; giúp nhiều địa phương hoàn thành chương trình nông thôn mới, góp phần thúc đẩy xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao.

Tại huyện Hàm Thuận Nam, năm 2022, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai cho vay giải quyết việc làm 536 dự án với tổng số vốn 26,4 tỷ đồng và 12 chương trình với tổng nguồn vốn là 45,6 tỷ đồng. 

Nhờ nguồn vốn triển khai hiệu quả nên bộ mặt nông thôn làng quê trong huyện đã có nhiều thay đổi rõ rệt; cơ sở hạ tầng gồm đường, trường, trạm y tế, thủy lợi, hệ thống nước sạch... đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu, đời sống tinh thần của người dân. 

100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trong huyện được hưởng thụ các chính sách ưu đãi, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin. Các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%. Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng cao. Có 11/12 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 12/12 xã đạt tiêu chí văn hóa…; đặc biệt năm 2022, huyện có 12/50 hộ thoát nghèo.

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, huyện Hàm Thuận Nam có 9/12 xã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, theo kế hoạch đề ra, đến năm 2025, Bình Thuận sẽ có 5 huyện và 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 95% chỉ tiêu kế hoạch; 2 huyện Phú Quý, Đức Linh được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 40% chỉ tiêu kế hoạch, riêng thành phố Phan Thiết hiện đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai có hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội để phấn đấu vươn lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV