Trong việc phát triển các nghề truyền thống, việc khôi phục và giữ gìn nghề thổ cẩm là một những yếu tố làm nên bản sắc dân tộc. Chẳng thế mà theo thời gian, nhiều văn hóa bản sắc dân tộc tại đây dần mai một nhưng riêng nghề dệt thổ cẩm vẫn luôn được phụ nữ Bahnar tại Tây Nguyên gìn giữ. 

W-anhthocam.png
Nghề dệt thổ cẩm vẫn luôn được phụ nữ Bahnar tại Tây Nguyên gìn giữ. 

Tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Điều này mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con.

 Làng Pơ Nang- nơi còn nhiều phụ nữ biết dệt vải thổ cẩm truyền thống

Người Bahnar vùng phía Nam tỉnh Gia Lai còn lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống. Làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê là một trong ba làng của xã Tú An, thị xã An Khê, nơi còn nhiều phụ nữ biết dệt vải thổ cẩm truyền thống nhất. Họ cùng nhau thành lập Tổ dệt thổ cẩm của làng, dựa trên nền tảng nghề sẵn có của các bà, các mẹ truyền dạy.

Thành lập từ 2017, Câu lạc bộ dệt của xã Tú An lúc đầu chỉ có 10 thành viên, giờ có hơn 50 chị với nhiều thế hệ, nhiều tuổi nhất là bà Đinh Thị Puốt (80 tuổi), ít tuổi nhất là những em học sinh Trung học Cơ sở. Họ cùng chung tâm huyết gìn giữ văn hóa dân tộc.

Qua quá trình đào tạo, chăm chỉ học hỏi, luyện tập, tay nghề các thành viên dần dần được nâng lên, sản phẩm làm ra đẹp, đa dạng hơn.

Ngoài việc phục vụ cho gia đình, các sản phẩm của Câu lạc bộ đã được bày bán tại một số sự kiện du lịch để quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm địa phương. Những tấm thổ cẩm của làng Pơ Nang được các bàn tay người thợ có kinh nghiệm lâu năm kết hợp hài hòa giữa họa tiết, hoa văn hiện đại mang phong cách rất riêng của làng nghề truyền thống nơi đây.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của người Rơ Ngao ở thôn Đăk Tiêng Kơ Tu,

Thôn Đăk Tiêng Kơ Tu,xã Đăk La, huyện Đăk Hà (Kon Tum) có 147 hộ với trên 900 khẩu. Tổ hợp tác thôn Đăk Tiêng Kơ Tu được thành lập từ năm 2016 với 40 thành viên là người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Bahnar).

Trong thôn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm đã mang lại thêm nguồn thu nhập cho người dân. Ngoài những nghệ nhân lấy dệt làm nghề chính, một số hộ dân khác tranh thủ sáng đi làm đồng, chiều và tối về dệt thổ cẩm. Nhờ đó, thu nhập của các hộ khá ổn định mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị mai một.

Đến nay, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo; là thôn điểm trong phát triển kinh tế của xã Đăk La, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng xã nông thôn mới.

Vân Anh và nhóm PV, BTV