Ở Cao Bằng, số lượng người Dao chiếm khoảng 10% dân số với hai nhóm là Dao đỏ và Dao tiền. Nơi cư trú thường sống ở các triền đồi cao (vùng núi đất) và các thung lũng tương đối bằng phẳng của các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng…
Kho tàng dân ca, dân vũ của dân tộc Dao Đỏ ở Cao Bằng khá đồ sộ về quy mô và phong phú về thể loại, làn điệu và nội dung phản ánh. Đặc điểm về cơ bản là giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau có thể mượt mà, mềm mại; thơ đọc liền mạch; khoẻ khoắn, hùng tráng; êm ái, tha thiết… như làn điệu Páo dung, Coóng dung, Phầy lủi, Coóng phây, Lảo Cù Ngỏa, múa Lệ miên,...
Trong kho tàng dân vũ phong phú ấy, bắt ba ba (Piáo tộ) của người Dao Đỏ là một trong những điệu múa độc đáo, đặc sắc bởi không giống với bất kỳ điệu múa của một dân tộc nào khác và trở thành niềm tự hào được giữ gìn trong đời sống tinh thần của người Dao Đỏ ở Cao Bằng từ bao đời nay.
Người Dao Đỏ không biết cụ thể điệu múa bắt ba ba độc đáo của dân tộc mình có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi lớn lên thì những nam thanh niên đã được cha, ông của mình truyền lại cho điệu múa này.
Điệu múa này do nhiều người đàn ông cùng lúc tham gia (mang tính tập thể cao). Khi múa bắt ba ba, cùng với những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao Đỏ kết hợp các động tác mô phỏng hành động theo các bước bắt ba ba trong các chuyển động đội hình khi ngang, khi chéo, khi đan xen một cách khéo léo, nhuần nhị kết hợp với các nhạc cụ truyền thống: tiếng trống, tiếng chiêng, khèn “phằn tỵ”… với tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập… hòa với những lời hát do thầy cúng nên rất sinh động, đẹp mắt.
Theo những người già, am hiểu về văn hóa truyền thống Dao Đỏ, múa bắt ba ba được diễn xướng trong những dịp lễ, như: Cầu mùa, lễ Bàn Vương, cấp sắc… với các bước cơ bản của điệu múa, gồm: Shuốt tổ (xuất phát); diện tổ (cuốn vòng vây để bắt rùa); dồng tổ (chọc cây vào hang để xua con rùa ra); schó tổ (bắt rùa); nghĩa tổ (đưa rùa về nhà); pái tổ (đặt rùa lên bàn để cân); schún tổ (xâu thịt rùa); píu tổ (chia thịt rùa).
Đặc biệt, trong lễ cấp sắc không phải cấp nào cũng được múa bắt ba ba khi tổ chức nghi lễ mà có quy định rất cụ thể: Trong nghi lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc. Bậc đầu tiên, được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cao nhất là 12 đèn và 120 binh mã. Từ nghi lễ cấp sắc bậc 2 trở lên mới được múa điệu bắt ba ba là một trong các nghi thức của buổi lễ. Đồng thời, điệu múa với ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh em, họ hàng, dân bản, cầu mong mùa màng bội thu, đời sống đủ đầy, qua đó, để cho con cháu biết về nguồn gốc của mình, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Tuy nhiên, sự du nhập của các luồng văn hóa mới do thiếu kiểm soát chặt chẽ đã làm cho đời sống văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao Đỏ bị tác động; một bộ phận thế hệ trẻ cho rằng một số di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc lạc hậu, lỗi thời nên không mặn mà với việc kế thừa và phát huy; những người am hiểu, nghệ nhân người Dao ngày càng cao tuổi… điệu múa bắt ba ba của người Dao Đỏ đang ngày càng thưa vắng bóng và có nguy cơ thất truyền, mai một do nhiều nguyên nhân:
Đứng trước những thách thức ấy, việc khôi phục, bảo tồn, phát triển giá trị điệu múa bắt ba ba của người Dao Đỏ cần được triển khai bài bàn như: mở các lớp dạy tiếng Dao. Vì khi đã biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình sẽ là tiền đề để thế hệ trẻ học hỏi các làn điệu dân ca, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo tổn và phát huy.
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của dân ca cho cộng đồng dân tộc Dao đỏ, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao lòng tự hào về giá trị những làn điệu dân ca đặc sắc của cha ông, qua đó, tự giác tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống; tổ chức những cuộc thi hát dân ca Dao đỏ tại xóm, xã, huyện, tỉnh vào thời gian cố định, duy trì thường xuyên để quảng bá, phục vụ khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
Nhóm PV